Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201612/khai-thac-hieu-qua-nguon-von-ho-tro-oda-712748/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201612/khai-thac-hieu-qua-nguon-von-ho-tro-oda-712748/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khai thác hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ ODA - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 07/12/2016, 14:31 [GMT+7]

Khai thác hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ ODA

(Congannghean.vn)-Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập và việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vẫn là một “bài toán” không dễ tìm được đáp án.

Trong điều kiện Chính phủ siết chặt quản lý đầu tư công như hiện nay, việc tận dụng và phát huy nguồn vốn ODA chính là chìa khóa quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, từng bước thay đổi bộ mặt của đô thị và góp phần quan trọng phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân tại những vùng kinh tế khó khăn.

Việc nâng cấp và cải tạo kênh Bắc nằm trong Dự án Phát triển đô thị Vinh đã góp phần chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố
Việc nâng cấp và cải tạo kênh Bắc nằm trong Dự án Phát triển đô thị Vinh đã góp phần chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố

Cùng trong tháng 10/2016, tại 2 huyện nghèo của Nghệ An là Quỳ Châu và Tương Dương, 2 trạm y tế xã đã được khởi công xây dựng tại 2 xã Châu Thắng và Lưu Kiền. Đây là 2 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình hỗ trợ 30a của Chính phủ.

Tính đến nay, Trạm Y tế  xã Châu Thắng đã chuẩn bị đổ sàn mái tầng 2, còn Trạm Y tế xã Lưu Kiền đang đổ trụ tầng 1. Với tổng vốn đầu tư 6 tỉ đồng, hứa hẹn 2 trạm y tế thuộc dự án ODA do EU tài trợ sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nơi đây. Bởi, 2 trạm y tế cũ đã bị hư hỏng nặng và dột nát.

Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình y tế, Sở Y tế Nghệ An, hiện, Ban Quản lý đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng tiến độ thực hiện công trình, giúp người dân nơi biên ải sớm được hưởng thụ điều kiện chăm sóc tốt hơn. Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục vận động và khai thác để các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có thêm nhiều công trình, dự án dân sinh hữu ích như trên.

Lễ khởi công Trạm Y tế xã Châu Thắng, Quỳ Châu, Nghệ An
Lễ khởi công Trạm Y tế xã Châu Thắng, Quỳ Châu, Nghệ An

Hai công trình trên nằm trong chương trình Dự án đầu tư xây dựng trạm y tế xã từ nguồn kinh phí viện trợ còn lại của giai đoạn 1 thuộc Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế do EU viện trợ.

Trong nhiều năm qua, trên địa bàn Nghệ An, các dự án ODA đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài y tế, lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải cũng thu hút nhiều dự án ODA… Có thể thấy, hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế đang mở ra cơ hội để Nghệ An đón nhận thêm nhiều nguồn vốn ODA để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã vận động và triển khai thực hiện 31 chương trình, dự án ODA với tổng vốn đầu tư 15.050 tỉ đồng.

Một trong những đặc điểm nổi bật của ODA là mang tính ưu đãi cao. Theo đó, ODA có thời gian vay dài, khoảng 20 - 40 năm, thậm chí dài hơn; thời gian ân hạn dài, từ 5 - 10 năm và thường có một phần là viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, ODA có tính ràng buộc rõ ràng, các nhà tài trợ đều gắn với những chiến lược và mục tiêu rõ ràng của họ. Tại Châu Á, Nhật Bản vẫn là quốc gia đầu tư ODA lớn nhất.

Nghệ An là một trong những tỉnh huy động được nhiều chương trình dự án nhất trong cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Giải ngân vốn các chương trình, dự án ODA trong giai đoạn này đạt 3.676,9 tỉ đồng, bằng 40,18% vốn cam kết, nhiều dự án sẽ tiếp tục thực hiện chuyển tiếp trong giai đoạn 2016 - 2020.

Hiện nay, theo thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư, Nghệ An đang triển khai thực hiện 26 chương trình, dự án ODA với tổng vốn đầu tư 13.569 tỉ đồng. Trong năm 2016 có 6 dự án mới gồm: Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương - Hợp phần 1: Khôi phục, cải tạo đường địa phương thuộc Dự án LRAM; Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Nghệ An; Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An; Hỗ trợ kỹ thuật Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; Hỗ trợ quản lý Nhà nước cấp địa phương theo hướng tăng cường trách nhiệm giải trình, đáp ứng nhanh tại tỉnh Nghệ An…

Một số dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai thực hiện như: Phát triển Đô thị Vinh (WB) tổng mức đầu tư 3.181 tỉ đồng, Khôi phục hệ thống thủy lợi Bắc (JICA) 5.204 tỉ đồng, Khôi phục vùng ngập lũ Nghệ An (Quỹ Ả rập xê út) 672 tỉ đồng, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (giai đoạn 3), các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thoát nước thải, hạ tầng giao thông... của các nhà tài trợ lớn như WB, JICA, ADB…

Một trong những yêu cầu quan trọng mà các nhà đầu tư rất quan tâm khi triển khai các dự án ODA chính là chất lượng các công trình khi đi vào sử dụng. Vì thế, yêu cầu giám sát tiến độ thực hiện rất quan trọng.

Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung thu hút các dự án lớn, các ban quản lý cũng phải nâng cao khả năng điều hành, tổ chức và quản lý các công trình; đồng thời chú trọng chất lượng công tác chuẩn bị, thiết kế đi đôi với tăng cường vai trò và trách nhiệm giám sát chất lượng của cấp có thẩm quyền thông qua quá trình thẩm định, phê duyệt văn kiện và các tài liệu thiết kế chương trình, dự án, đảm bảo quy mô phù hợp với khả năng bố trí vốn của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư; hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện chương trình, dự án, thực hiện các giải pháp xử lý vướng mắc của những chương trình, dự án chậm tiến độ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các dự án vẫn còn một số dự án ODA bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn thường gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng bố trí chưa kịp thời, năng lực của một số ban quản lý dự án còn hạn chế…

Bên cạnh đó, do số lượng các dự án ODA trên địa bàn tỉnh khá lớn nên nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án khá lớn. Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp để huy động, ưu tiên bố trí vốn đối ứng kịp thời cho các dự án từ các nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương và cân đối ngân sách địa phương. Đối với một số dự án lớn, đặc biệt quan trọng, tỉnh đã chỉ đạo cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù về huy động vốn đối ứng. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế, việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Từ năm 2016, thực hiện Luật Đầu tư công, việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 -2020, điều này sẽ tạo thuận lợi cho các dự án về vốn đối ứng, tránh bị động.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm trung bình thấp (>1.000 USD/năm) nên tỉ trọng ODA ưu đãi ngày càng giảm và ODA vay có điều kiện gần với điều kiện vốn vay thương mại sẽ tăng lên. Do đó, ODA sẽ được tập trung ưu tiên cho các dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh, đảm bảo trả nợ vốn vay một cách bền vững và một số lĩnh vực có khả năng ảnh hưởng đến an ninh lương thực - an sinh xã hội.

Trong những năm tới, theo định hướng, Nghệ An sẽ tập trung thu hút nguồn vốn ODA vào các lĩnh vực ưu tiên: Phát triển nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới kết hợp xoá đói, giảm nghèo; xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số phát triển và một số lĩnh vực khác); bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Có thể thấy, kết quả thực hiện các dự án ODA trong thời gian qua đã bổ sung nguồn lực rất quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh, nhiều công trình dự án được thực hiện khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực về xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, đường giao thông, nông - lâm nghiệp, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, điện nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, giảm nghèo, giúp cải thiện đáng kể về điều kiện sống của người dân, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, khó khăn.

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, năng lực của các cơ quan quản lý đã được tăng cường, nhiều lớp cán bộ nghiên cứu và quản lý đã được đào tạo, học tập, góp phần nâng cao kiến thức, năng lực trong việc quản lý, điều hành các dự án đầu tư…

.

Mai Hậu

.