(Congannghean.vn)-Là quốc gia có dân số đứng thứ 14 thế giới, thứ 3 Đông Nam Á, Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng với nhiều nước trên thế giới. Và trong suốt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đã chọn Việt Nam làm “bến đỗ” cho nhiều mặt hàng, từng bước xây dựng thị trường bán lẻ hùng mạnh. Làm sao để trụ vững và chiếm lĩnh thị trường nội địa, không bị thua thiệt ngay trên sân nhà là “bài toán” không đơn giản với các doanh nghiệp Việt, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Doanh nghiệp Việt trước cuộc cạnh tranh khốc liệt để được người tiêu dùng tin chọn |
Trong khi đó, các mặt hàng trái cây ngoại cũng “được lòng” người tiêu dùng: Táo vàng Pháp 39.900 đồng/kg; táo Mỹ đỏ 69.900 đồng/kg; cao cấp hơn thì có táo Jazz Mỹ 109.900 đồng/kg, táo Jonagold Mỹ 79.900 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hạnh trú tại phường Trường Thi, TP Vinh cho biết: “Tôi thường đi siêu thị để mua đồ cho cả nhà. Thịt gia cầm, gia súc thường mua ngoài chợ nhưng hoa quả thì chủ yếu lựa chọn hàng nhập khẩu tại siêu thị. Tôi nghĩ, ở nước ngoài yêu cầu kiểm tra khắt khe hơn nên chất lượng cũng được đảm bảo hơn”.
Có thể thấy, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc giá rẻ ồ ạt đổ về Việt Nam. Theo các chuyên gia đánh giá, giá của các mặt hàng thịt ngoại nhập khá rẻ vì các nước này có nền chăn nuôi phát triển cao. Bên cạnh đó, người phương Tây chỉ ăn thịt trắng là ức gà, các sản phẩm còn lại như cánh, đùi họ không ăn trong khi người Việt lại rất thích những sản phẩm này nên nhiều doanh nghiệp nhập về. Không chỉ các sản phẩm giá rẻ, các nhà xuất khẩu thịt tại nhiều nước phát triển còn xem Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho các dòng sản phẩm cao cấp. Cụ thể, thịt bò Mỹ, Úc nhập khẩu đã xuất hiện tại các hệ thống siêu thị của Việt Nam ngày càng nhiều.
Không chỉ tại siêu thị mà ngay tại cửa hàng bán lẻ, phân phối trên phố, hàng nhập khẩu của Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản cũng từng bước chiếm lĩnh thị trường. Trên khắp các con phố chính của TP Vinh như: Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Sỹ Sách…, các cửa hàng Thái Lan, Nhật Bản len lỏi và đã chứng tỏ sức cạnh tranh của mình. Có thương hiệu, được kiểm định chất lượng tốt hơn… là những lý do khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ các quốc gia lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng cũng vừa phải, phù hợp với mức sống của người dân.
Có thể thấy, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng từ Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, hàng Việt đang đứng trước thách thức đổi mới toàn diện từ giá cả, chất lượng, bao bì... để có thể cạnh tranh. Theo các chuyên gia kinh tế, Thái Lan có thế mạnh về hàng nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần phải vươn lên về mặt chất lượng, giá cả, tiếp thị, mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối. Ngoài ra, phải xây dựng thương hiệu cho phân phối và sản xuất, làm ăn tử tế, trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng. Muốn cạnh tranh, ngoài sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp buộc phải có sự vươn lên rất mạnh mẽ.
Đứng trước sự xâm nhập ồ ạt của các mặt hàng ngoại nhập, hiện nay, quan điểm của hầu hết các doanh nghiệp cũng đã dần dần thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa và từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Chính bởi nguyên do này, không ít doanh nghiệp nội đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động thương lượng với nhà bán lẻ, nâng cao tiếng nói của mình trong khâu đàm phán, thương lượng thông qua hiệp hội hoặc liên kết để cử ra những chuyên gia đàm phán giỏi nhằm bảo vệ lợi ích. Những kênh phân phối truyền thống như tạp hóa, chợ… với chi phí quảng bá thấp, quay vòng vốn nhanh cũng là lựa chọn thích hợp với các đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có thể thấy, nếu không chịu đổi mới, các doanh nghiệp Việt sẽ đuối sức trước cuộc cạnh tranh với các quốc gia có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh các “ông lớn” Thái Lan chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, trong khi tâm lý sính ngoại vẫn còn ảnh hưởng tới sự lựa chọn tiêu dùng thì cách truyền thông và giúp người tiêu dùng thay đổi nhận diện thương hiệu là yêu cầu bắt buộc mà các doanh nghiệp phải thực hiện ngay bây giờ. Bởi nếu không quyết liệt triển khai, cuộc chơi trên sân nhà sẽ còn vô vàn gian nan và thách thức.
.