(Congannghean.vn)-Tại TP Vinh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và Viện Kinh tế Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ của Bộ Chính trị” nhằm đánh giá toàn diện kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, góp phần tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển kinh tế Nghệ An trong thời gian tới.
Với mong muốn sớm tìm ra giải pháp để Nghệ An thực sự chuyển mình về mọi mặt, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý giá từ các chuyên gia đầu ngành và những nhà đầu tư, hoạch định chiến lược…
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước (Trong ảnh: Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo) - Ảnh: Mai Hậu |
Những thành tựu nổi bật sau 3 năm triển khai
Với vị trí đặc biệt, Nghệ An được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 ngày 31/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu tổng quát cho tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho tỉnh rất cao, với yêu cầu, kỳ vọng lớn. Tỉnh phải phấn đấu trở thành trung tâm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ trên nhiều mặt, đòi hỏi Nghệ An phải phát triển nhanh hơn các tỉnh khác, tiến tới tự cân đối thu chi, đóng góp cho cả nước. Tỉnh phải có những mô hình, hình mẫu trong các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ tài chính - ngân hàng, giáo dục - y tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Sau khi có Nghị quyết, các Ban Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo đó, các bộ, ngành khâu nối và tạo điều kiện thuận lợi xử lý các đề xuất của tỉnh. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nhận thức được tầm quan trọng, sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và Chính phủ đối với tỉnh nhà. Nghị quyết hợp lòng dân đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã chủ động trong xây dựng và triển khai quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp, tạo được dấu ấn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại, tạo sự chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực ở Nghệ An.
Về thu hút đầu tư, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 (2014 - 2016), Nghệ An đạt 301 dự án/148.834 tỉ đồng vốn đăng ký, bằng 2,5 lần giai đoạn 2011 - 2013. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 3 năm 2014 - 2016 tăng bình quân 7,59%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của 3 năm 2011 - 2013 (5,54%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2016 so với 2013 thì tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,20% lên 31,69%, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 28,68% xuống 26,46%, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng khá cao 41,86%. Thu nhập bình quân đầu người tăng khá nhanh: Năm 2013 đạt 22,96 triệu đồng/người, đến năm 2016 ước đạt 31 triệu đồng (gấp 1,4 lần so với năm 2013). |
Trong 3 năm qua, Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa lập Quy hoạch vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, gắn kết về mặt không gian Khu công nghiệp Hoàng Mai và Đông Hồi của Nghệ An với Khu kinh tế Nghi Sơn của Thanh Hóa; phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh lập quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh thành vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng của Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng thời triển khai nhiều dự án trọng điểm.
Các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đã quan tâm hỗ trợ, phối hợp, vận động các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Nghệ An, như: VSIP, Tập đoàn Tôn Hoa Sen... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng nghìn tỉ đồng. Văn hóa - giáo dục cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, Nghệ An trở thành điểm sáng trong giáo dục cả nước; trong khi đó, hàng loạt bệnh viện chất lượng cao được khánh thành và đưa vào hoạt động.
Khắc phục khó khăn, đưa Nghệ An phát triển theo tinh thần Nghị quyết
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được trên tất cả lĩnh vực, các đại biểu Trung ương và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đều thẳng thắn nhìn rõ và xác định những hạn chế, tồn tại mà Nghệ An cần sớm tìm giải pháp khắc phục. Bởi tuy đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội đi liền với bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia, nhiều kết quả thực hiện vẫn còn thấp so với tiềm năng của tỉnh, với các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 26.
Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, với tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, chỉ bằng 70% mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp chưa rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, chất lượng tăng trưởng còn thấp, sức cạnh tranh yếu, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu trong thực tế...
Phải xác định rõ vị thế để cùng quyết tâm tìm ra giải pháp phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh: Chúng ta phải đồng hành phát triển nhanh và bền vững. Những bài học về môi trường cũng như tác động của nó tới nền kinh tế - xã hội đòi hỏi chúng ta phải thận trọng trong chọn lựa nhà đầu tư, không đầu tư bằng mọi giá. Bên cạnh đó, bối cảnh mới với những điều kiện thuận lợi, khó khăn mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho tỉnh trong việc hoạch định chiến lược phát triển.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Tại Hội thảo đã ghi nhận nhiều tham luận, ý kiến đóng góp quý giá của các chuyên gia đầu ngành: Giải pháp xây dựng TP Vinh trở thành trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ (ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng); Phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh (ông Nguyễn Anh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp); Phát triển Nghệ An và xây dựng nông thôn mới (ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Thu hút đầu tư, yếu tố quyết định đến phát trển kinh tế Nghệ An (ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch Nghệ An trong mối liên kết vùng (TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch)…
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định: Chúng tôi đánh giá cao tất cả ý kiến tham luận. Qua trình bày, các ý kiến không tô vẽ mà nhìn nhận đúng thức tế, không nóng vội và cũng không thách đố. Bởi chúng ta biết rằng, sự phát triển kinh tế - xã hội phải có nấc thang, “không thể vươn mình như Phù Đổng được”. Chính vì vậy, những đóng góp của các nhà khoa học trong Hội thảo lần này, tỉnh Nghệ An cùng Viện Kinh tế Việt Nam tổng hợp lại, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý các cấp, ngành ở Nghệ An cần tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, người lao động về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, những mô hình hiệu quả, thiết thực với mục tiêu đưa quê hương ngày càng phát triển. Từ đó, tạo sự lan tỏa, quyết tâm lớn trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá, thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ như Bác Hồ hằng mong muốn và Bộ Chính trị đặt ra.