Kinh tế xã hội

Nhiều doanh nghiệp 'lách' luật trong chi trả tiền lương

09:40, 18/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ khi triển khai thực hiện đến nay, vấn đề tiền lương trong Bộ luật Lao động 2012 còn bộc lộ một số hạn chế, trong đó có việc nhiều doanh nghiệp (DN) “lách” luật để chi trả tiền lương theo hướng có lợi cho mình. Vì vậy, việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra vấn đề chi trả tiền lương tại các DN cần được các cấp, ngành liên quan chú trọng hơn nữa nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ), từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Lao động chịu nhiều thiệt thòi khi doanh nghiệp trả lương cơ bản thấp để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội
Lao động chịu nhiều thiệt thòi khi doanh nghiệp trả lương cơ bản thấp để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

Còn kẽ hở

Hiện nay, tại nhiều DN trên cả nước đang tồn tại 3 loại tiền lương gồm: Lương tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), lương quyết toán thuế, lương thực chi cho NLĐ. Thực tế này gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các DN. Theo đó, vẫn có nhiều điểm chưa thống nhất về tiền lương.

Lợi dụng kẽ hở trên, nhiều DN xây dựng thang bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản như mức lương, phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng BHXH, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của NLĐ.

Bên cạnh đó, một số DN quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng hàng tháng, quý, năm cũng rất phức tạp, khiến NLĐ được thụ hưởng khó tiếp nhận và giám sát việc thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, theo nhiều DN là do lương liên tục tăng, tiền đóng BHXH ngày càng cao trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên để duy trì hoạt động, họ buộc phải “lách” luật trong xây dựng thang, bảng lương.

Dẫn ra một ví dụ: NLĐ được chủ DN trả lương cơ bản là 3 triệu đồng nhưng lương thực lĩnh lại là 6 triệu đồng. Trong đó, 3 triệu đồng được NLĐ ký ở mục lương cơ bản để đóng BHXH, 3 triệu đồng còn lại ký nhận ở mục phụ cấp. Trên thực tế, việc trả lương như trên là một hình thức “lách luật” phổ biến của nhiều DN để trốn đóng và làm giảm chi phí BHXH. Vì nếu mức lương 6 triệu đồng/tháng được thể hiện trong hợp đồng lao động thì theo quy định, DN đó phải chịu phí BHXH với mức cao hơn.

Một thực tế đáng lưu tâm khác là, mặc dù Điều 93, Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định: Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động…, tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN ko chấp hành.

Ngay trên địa bàn TP Vinh, địa phương tập trung số lượng lớn DN (hiện có gần 4.500 DN) - nơi diễn ra nhiều hoạt động tập huấn, kiểm tra, xử lý liên quan đến việc xây dựng thang bảng lương nhưng số DN chấp hành quy định trên còn khá khiêm tốn.

Việc DN thực hiện đúng quy định về tiền lương góp phần đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động
Việc DN thực hiện đúng quy định về tiền lương góp phần đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động

Đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát

Theo đánh giá về kết quả chương trình phối hợp hoạt động giữa Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2015 vừa qua, tình hình thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn tương đối tốt. Chế độ tiền lương, mức lương tối thiểu vùng đạt kết quả cao, góp phần từng bước đảm bảo đời sống cho NLĐ, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đạt được kết quả trên là nhờ sự phối hợp đồng bộ, tích cực trong công tác tuyên truyền của 2 đơn vị về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm tới đông đảo chủ DN và NLĐ trên địa bàn. Đặc biệt, việc xây dựng chương trình đối thoại trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về giải quyết những vướng mắc khi thực hiện các chế độ chính sách mới về BHXH, BHYT và việc thực hiện các quyền lợi của NLĐ đã tạo ra diễn đàn mở, góp phần củng cố quan hệ lao động phát triển ổn định, hài hòa.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, trong đó có vấn đề tiền lương cũng được tổ chức thực hiện hiệu quả. Cụ thể, trong năm qua, đã kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 23 DN, qua đó xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền 40 triệu đồng. 2 đơn vị đã phối hợp giải quyết 4 vụ đình công tại các DN, góp phần hòa giải tranh chấp lao động, đưa hoạt động của DN trở về trạng thái ổn định. Thông qua đó, các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của NLĐ cũng được chủ DN chấp thuận và cam kết thực hiện.

Trên cơ sở những kết quả trên, trong năm 2016, Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp mới. Theo đó, việc thành lập đoàn kiểm tra các DN về thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong việc thực hiện chính sách về pháp luật lao động được thực hiện mỗi quý một lần nhằm góp phần hạn chế tình trạng “lách” luật của DN trong vấn đề tiền lương.

Trên thực tế, việc minh bạch hóa vấn đề chi trả lương cho NLĐ của DN theo quy định của pháp luật là một trong những cơ sở quan trọng để NLĐ yên tâm làm việc, từ đó làm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, trước khi các quy định về tiền lương có sự sửa đổi, bổ sung, các DN cần thực hiện đúng việc chi trả lương cho NLĐ để tránh những hệ lụy xấu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị mình cũng như các vấn đề về an sinh xã hội.

Thùy Dương

Các tin khác