Kinh tế xã hội
Khai thác bền vững những triển vọng từ quản lý đới bờ
(Congannghean.vn)-Đới bờ được hiểu là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, bao gồm cả vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ. Là nơi phát triển kinh tế của nhiều khu vực, nơi tập trung các hoạt động kinh tế - xã hội, chiến lược khai thác nguồn lợi từ đới bờ có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các lợi ích về biển, góp phần phát triển bền vững.
Trong nhiều năm trở lại đây, Nghệ An đã có những quan tâm nhất định đối với công tác quản lý đới bờ, hướng tới mục tiêu khai thác và sử dụng một cách hợp lý các tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển nước ta.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tập trung khai thác, hình thành khu nghỉ dưỡng tại các khu vực đới bờ |
Với nhiều quốc gia ven biển, việc quản lý đới bờ đã không còn xa lạ. Trong nhiều năm qua, việc quản lý tổng hợp đới bờ đã đạt được những thành công lớn, giúp tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường và phát triển xã hội. Trên cơ sở đặc điểm thực tiễn, ngày 9/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158 phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên dải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Quyết định này đã tạo hành lang pháp lý cho 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong dải ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ triển khai quản lý tổng hợp đới bờ. Chiến lược này được xây dựng trên quan điểm tôn trọng các quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù sinh thái từng vùng, đồng thời có tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Nghệ An, Dự án quản lý tổng hợp đới bờ được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2831/QĐ-UBND ngày 21/7/2011. Là địa phương được hưởng lợi từ những giá trị mà biển mang lại, bên cạnh việc phát huy thế mạnh trong khai thác tài nguyên biển, Nghệ An cũng đã tiên phong trong việc áp dụng phương thức quản lý tổng hợp đới bờ theo chu trình 6 bước của PEMSEA (tổ chức phát triển bền vững các biển Đông Á).
Sau 5 năm thực hiện, công tác này đã có những kết quả bước đầu như: Xây dựng và triển khai cơ chế điều phối đa ngành triển khai quản lý tổng hợp đới bờ trên địa bàn tỉnh; tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp đới bờ; nâng cao nhận thức cộng đồng và các tầng lớp nhân dân về quản lý tổng hợp đới bờ; xây dựng các hồ sơ khoa học về vùng bờ cung cấp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân dân để khai thác, sử dụng; tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp đới bờ trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ quản lý tổng hợp đới bờ chủ yếu được tỉnh thực hiện lồng ghép thông qua việc triển khai xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong xây dựng cơ bản và phát triển kinh tế vùng ven biển, tỉnh cũng đã triển khai các đề án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; khu du lịch đô thị ở vùng ven biển thuộc các địa phương có biển của tỉnh theo hướng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý đới bờ là nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường đới bờ phục vụ phát triển bền vững. Bởi theo các chuyên gia khoa học, lực lượng khoa học và quản lý thường chỉ hoạt động định kỳ, trong khi người dân sinh sống và hoạt động thường trực trên vùng đới bờ, nên việc thu nhận thông tin phản hồi từ cộng đồng rất quan trọng.
Trong những năm gần đây, sự gia tăng dân số và phát triển mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội tại đới bờ dẫn đến nhiều vấn đề như khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên, gây ra các mâu thuẫn trong sử dụng không gian, tài nguyên và môi trường chung, làm suy thoái hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, gia tăng các đe dọa của thiên tai, làm xáo trộn cuộc sống của nhiều cộng đồng ven biển.
Dọc dài ven biển này, lâu nay, bà con nuôi tôm, thải nước, rác thải, các cơ sở chế biến hải sản, cơ sở đóng mới tàu thuyền, nhà máy xí nghiệp mọc lên… đã gây tác động không ít đến môi trường vùng đới bờ. Việc khai thác hải sản, cát nhiễm mặn, rong mơ, thủy hải sản một cách ồ ạt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Chú trọng lợi ích trước mắt khiến tại nhiều địa phương, việc khai thác tài nguyên biển đang còn vội vàng, chưa chú trọng yếu tố lâu dài.
Hiện nay, với nguồn tài nguyên biển phong phú, cộng với khả năng tiếp cận thị trường quốc tế một cách dễ dàng, đới bờ đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. Mục tiêu mà Nghệ An đặt ra trong thời gian tới là “vùng ven biển tiêu biểu của Việt Nam, phát triển hài hòa trên nền tảng các ngành kinh tế dựa vào biển, nơi các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, sinh thái và cảnh quan được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo; một vùng sạch, đẹp và an toàn để sinh sống, làm việc và đầu tư, nơi mọi người dân được quyền làm chủ và hưởng thụ tối đa” như Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã định hướng.
Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào công tác quản lý của các cấp chính quyền, nhất là vận động sự tham gia tích cực của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên biển. Sự phối hợp hài hòa giữa các bên phía chuyên gia, các ban, ngành quản lý và cộng đồng dân cư là yêu cầu quan trọng, quyết định đến hiệu quả chương trình quản lý đới bờ một cách bền vững.
Mai Hậu