Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201610/gia-hoa-o-nong-thon-moi-lo-nhan-luc-nganh-nong-nghiep-703521/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201610/gia-hoa-o-nong-thon-moi-lo-nhan-luc-nganh-nong-nghiep-703521/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mối lo nhân lực ngành nông nghiệp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 12/10/2016, 10:45 [GMT+7]
Già hóa ở nông thôn

Mối lo nhân lực ngành nông nghiệp

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh đất rộng, người đông, cuộc sống của người dân ở nông thôn phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp. Theo kết quả điều tra, tỉnh ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Trên thực tế, trong khi đại bộ phận người trẻ đang có xu hướng rời bỏ quê hương để lên thành thị làm việc, sinh sống thì lao động nông nghiệp chủ yếu ở nông thôn lại là đối tượng người già và phụ nữ. Điều này ngày càng làm dấy lên mối lo thiếu hụt trầm trọng nhân lực ngành nông nghiệp.

Cần đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động trẻ để giảm gánh nặng sản xuất nông nghiệp cho người già
Cần đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động trẻ để giảm gánh nặng sản xuất nông nghiệp cho người già

Nguy cơ cao

Tính đến đầu năm 2016, toàn tỉnh có 352.457 hội viên người cao tuổi, tỉ lệ người cao tuổi/dân số là 10,65%. Đáng chú ý, chỉ 23% người cao tuổi thuộc đối tượng hưu trí hoặc có hưởng bảo trợ xã hội, 77% người cao tuổi còn lại sống ở nông thôn, miền núi, nguồn sống phụ thuộc vào nông nghiệp.

Trong khi đó, hiện nay, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ tại khu vực thành thị nên lao động trẻ ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh chọn cách “dứt áo ra đi”, để lại gánh nặng sản xuất nông nghiệp cho người già.

Thực tế này không chỉ gây thiếu hụt nhân lực mà còn tạo ra thách thức cho quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, nhất là ở các địa phương thuần nông nghiệp.

Hiện nay, Nghệ An đang hướng tới xây dựng nền nông nghiệp cơ khí hóa toàn diện, với các sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap (chuẩn toàn cầu). Nắm bắt xu hướng trên, thời gian qua, nhiều thanh niên đã quay về quê hương lập nghiệp. Với sức trẻ và kiến thức tích lũy được, họ đã sáng tạo và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, con số này còn chiếm tỉ lệ khá ít trong tổng số người trẻ chọn con đường rời quê hương để làm giàu. Thực tế trên dẫn đến hệ quả tất yếu là nền nông nghiệp của tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của các “lão nông tri điền”.

Chú trọng đào tạo nhân lực nông nghiệp

Những năm gần đây, tại nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, việc thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thi vào các khối ngành nông, lâm nghiệp gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ tư duy cố hữu của nhiều người coi ngành nông nghiệp là làm nông dân, gắn với đồng ruộng nên không muốn con em theo học.

Thực tế hiện nay, nông nghiệp vẫn là ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế và đang được Nhà nước quan tâm, đầu tư lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, nước ta sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ phát triển tỉ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 28% năm 2015 và khoảng 50% năm 2020.  Do đó, trong thời gian sắp tới, ngành này rất “khát” lao động có chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao.

Nhận thức rõ thực tế trên, thời gian qua, Nghệ An đã chú trọng ban hành nhiều chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh nhà. Trong đó có thể kể đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện “Đề án đào tạo nguồn nhân lực nông thôn huyện Tương Dương giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến năm 2020”. Đây được xem là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH, cơ sở dạy nghề có đào tạo ngành nghề nông,  lâm,  ngư nghiệp của tỉnh cũng đã tích cực đổi mới chương trình dạy học, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn; đặc biệt là việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực.

Từ thực tế trên cho thấy, việc giải quyết “bài toán” thiếu hụt nhân lực ngành nông nghiệp trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đang trở nên vô cùng cấp thiết. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh ta cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nguồn lao động trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng nhân lực, qua đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

.

Hồng Hạnh

.