(Congannghean.vn)-Dạy nghề và đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn, số lượng đào tạo hàng năm tăng. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã bộc lộ không ít hạn chế: Số lao động sau học nghề tìm được việc làm đạt tỉ lệ thấp, nông dân không mặn mà với nghề, người lao động tốn tiền học, nhà tuyển dụng tốn tiền đào tạo, gây lãng phí không hề nhỏ.
Nghề dệt thổ cẩm tại các huyện miền núi chủ yếu phục vụ cá nhân |
Qua tìm hiểu tại các huyện miền Tây Nghệ An về việc triển khai Đề án dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, nông dân học nghề được hưởng nhiều hỗ trợ như: Miễn học phí, giới thiệu việc làm sau khi học xong nghề; đối với các nghề cơ khí, may, trồng nấm, chăn nuôi… được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, người học nghề còn được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính xách xã hội để giải quyết việc làm. Đối tượng chính sách được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại, được cung cấp giáo trình và nguyên vật liệu thực hành miễn phí…Tuy nhiên, nhiều người đã qua lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho biết, đến nay vẫn không thể phát triển được nghề đã học do thiếu đất sản xuất, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với dịch bệnh và đầu ra khó khăn.
Thầy Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề dân tộc miền núi Nghệ An nhận định: Với thời gian đào tạo 3 tháng, người lao động rất khó kiếm được việc làm. Chưa kể, vận động người dân đi học nghề tại địa bàn các xã không hề dễ. Mặc dù mỗi năm, Trường tổ chức từ 30 - 40 lớp nghề ngắn hạn như điện, hàn, may, trồng nấm, dệt, chăn nuôi, thú y… cho lao động nông thôn tại các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, tuy nhiên hiệu quả không như mong đợi.
Bên cạnh những lợi ích mang đến từ chương trình, vẫn có nhiều lao động không tìm được việc làm sau đào tạo, nhiều nông dân không mặn mà với học nghề do nghề mới hiệu quả kinh tế thấp. Để xảy ra thực trạng này một phần do cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở chưa thực sự coi trọng công tác đào tạo nghề nên khi triển khai mở lớp, các huyện đều xây dựng kế hoạch, khảo sát nhu cầu người học nhưng chưa sát với nhu cầu thực tế.
Ví dụ như ở huyện Con Cuông, nông dân khá hăng hái với nghề trồng nấm nhưng do không có kỹ năng về thị trường, thiếu đầu ra cho sản phẩm nên chỉ được một thời gian đã "chết yểu". Còn với nhóm nghề phi nông nghiệp như may mặc, mây tre đan, nấu ăn, dệt thổ cẩm thì việc duy trì nghề sau đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào việc các doanh nghiệp trên địa bàn có tuyển dụng hoặc có việc làm hỗ trợ nông dân hay không nên cũng nan giải.
Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn: Hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện miền núi thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền địa phương cơ sở chưa quan tâm đúng mức. Địa phương phải quy hoạch phát triển kinh tế, tính trước đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, rồi khảo sát người dân hợp với nghề gì để đào tạo đúng mức, không nên làm tràn lan, không chú trọng vào nhu cầu học nghề của người dân địa phương như hiện nay.
Bên cạnh đó, trong quá trình dạy và học nghề chưa nghiêm túc. Nhiều học viên không tuân thủ kỷ luật của lớp, nghỉ học không thông báo, đến học muộn, không ghi chép bài... Các cơ sở đào tạo còn hạn chế trong chuẩn bị giáo trình, chương trình giảng dạy, trong khi trang thiết bị dạy học đã lạc hậu… Đã thế, mỗi khóa học chỉ kéo dài 3 tháng nên tay nghề chưa sâu, đặc biệt đối với người học nghề nông nghiệp, học xong chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế gia đình, thực tế không có nơi tiếp nhận. Các nghề phi nông nghiệp như dệt, may, thú y, hàn… cũng chỉ để phục vụ trong gia đình, rất khó đứng ra mở cửa hàng.