(Congannghean.vn)-Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) được đánh giá là chính sách an sinh xã hội quan trọng, đặc biệt là với đối tượng lao động tự do, trong đó có nông dân với đặc thù thu nhập thấp và không ổn định. Từ khi triển khai chính sách này, số nông dân ở tỉnh Nghệ An tham gia BHXHTN tăng qua từng năm, song vẫn còn khá khiêm tốn so với những ưu thế của loại hình bảo hiểm này.
Lợi ích còn bị bỏ ngỏ
Từ năm 2016, BHXHTN có sự mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; đồng thời hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng, đa dạng hóa các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng loại hình bảo hiểm này.
Tham gia BHXHTN giúp nông dân đảm bảo cuộc sống khi về già |
Khi tham gia BHXHTN, những người thuộc diện lao động tự do, trong đó có nông dân được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân, gia đình để hưởng các chế độ theo quy định, góp phần đảm bảo cuộc sống khi về già.
Theo đó, mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng; trong đó mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Cơ chế khuyến khích này được đưa ra nhằm tăng diện bao phủ BHXH trong toàn dân.
Trong 4 năm (2012 - 2015), Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng 369 mô hình vận động hội viên, nông dân tham gia BHXHTN. Các đại lý thu BHXH do Hội Nông dân quản lý có sự mở rộng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hội Nông dân đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 10% lao động nông thôn tham gia BHXHTN.
Với đặc thù địa bàn rộng, dân số đông, người dân chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp, lại là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai BHXH nông dân nên số người tham gia BHXHTN của Nghệ An khá cao, tuy nhiên, nếu so với lực lượng lao động là nông dân chiếm tỉ lệ lớn thì còn khá khiêm tốn.
Từ ngày 1/1/2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% tiền đóng bảo hiểm tự nguyện cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và 10% cho đối tượng khác. Mức hỗ trợ cho người đóng bảo hiểm tự nguyện từ năm 2018 - 2020 là 46.200 đồng/tháng với hộ nghèo, 38.500 đồng/tháng với cận nghèo và 15.400 đồng/tháng với đối tượng khác. Người dân cần đến các đại lý thu BHXHTN tại bưu điện quận, huyện để mua BHXHTN và được hướng dẫn làm thủ tục đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu. |
Nhiều vướng mắc trong quá trình tiếp cận
Qua tìm hiểu được biết, nhiều nông dân có nhu cầu và mong muốn tham gia loại hình bảo hiểm này vì tính an toàn cao, được Nhà nước hỗ trợ và bảo trợ, trong khi bảo hiểm thương mại lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nhưng nông dân tham gia BHXH vẫn đang thấp.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thông tin tuyên truyền về BHXHTN chưa thực sự “phủ sóng” tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, một thực tế khá phổ biến khác là người dân tuy biết thông tin về loại hình bảo hiểm này, nhưng quá trình tiếp cận lại gặp nhiều khó khăn, cụ thể là về địa điểm đăng ký, thủ tục thực hiện, mức đóng... do sự lúng túng của nhiều cơ quan chức năng ở địa phương trong công tác hướng dẫn.
Tuy có thay đổi theo khả năng của người đóng nhưng mức đóng BHXHTN thấp nhất hiện nay bằng 22% (người tham gia phải đóng ít nhất 154.000 đồng/tháng), là số tiền không nhỏ đối với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Những tồn tại nêu trên là tác nhân chính dẫn đến việc phát triển đối tượng nông dân tham gia BHXHTN còn hạn chế.
Ngày 13/7/2016, BHXH và Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2016 - 2020.
Trên cơ sở đánh giá thực tế công tác triển khai BHXHTN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, 2 đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhận thức rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia loại hình bảo hiểm này, phấn đấu đến năm 2020 đạt 15% lao động nông thôn tham gia BHXHTN.
Theo đó, công tác xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân tham gia BHXHTN ; phát triển hệ thống đại lý thu BHXH do Hội Nông dân thực hiện; việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các thủ tục, giải quyết chế độ BHXHTN nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nông dân được đặc biệt chú trọng.