(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh thực phẩm bẩn và vi phạm về ATVSTP diễn ra tràn lan như hiện nay, ý tưởng về việc đưa nông sản sạch “made in nông thôn” cung ứng cho khu vực thành thị đã được nhiều cá nhân, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, để người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm 100% đồng nội này vẫn còn là cả một quá trình gian nan.
Thực phẩm “bẩn” tràn lan
Thời gian gần đây, cùng với cả nước, lực lượng chức năng tại Nghệ An đã liên tiếp bắt giữ các vụ vi phạm về ATVSTP khiến người tiêu dùng hoang mang. Chưa bao giờ việc lựa chọn thực phẩm lại trở nên khó khăn như thời điểm hiện nay.
Cửa hàng rau an toàn vẫn chưa thực sự thu hút khách hàng |
Chỉ tính trong 2 tháng 6 và 7 năm 2016, Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt 126 vụ, 126 đối tượng liên quan đến các hành vi vi phạm về ATVSTP; thu giữ 14,5 tấn sản phẩm động vật; 27,2 tấn cá; 37 tấn măng; 31,100 quả trứng gia cầm; 700 kg rau…
Chợ Vinh là một trong những chợ đầu mối lớn nhất về cung cấp nông sản. Qua tìm hiểu của phóng viên, từ thời điểm nửa đêm, các xe tải chở rau, củ, quả từ các tỉnh, thành ùn ùn kéo về đổ hàng. Đến tờ mờ sáng, các tiểu thương tập trung về đây để mua hàng.
Phần lớn nông sản đều không qua kiểm tra ATVSTP, trong đó có rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại hoa quả được đóng trong các thùng giấy có in chữ Trung Quốc.
Ngày 6/6/2016, TP Vinh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các mặt hàng rau củ quả từ các tỉnh, thành chuyển về chợ Vinh. Sau quá trình kiểm tra, thử nghiệm 6 mặt hàng gồm rau cải, táo Trung Quốc, hành và các loại tỏi, đã phát hiện 5 mẫu dương tính vì tồn dư các loại thuốc bảo quản hoặc thuốc bảo vệ thực vật.
Nông sản sạch từ quê ra phố
Trước thực trạng nông sản “bẩn”, phần lớn người tiêu dùng hiện nay đang loay hoay tìm nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, đây không phải là “bài toán” dễ. Để có được bữa cơm “sạch”, một số gia đình ở thành phố chọn giải pháp sử dụng các loại rau củ do người nhà gửi từ quê lên, hoặc tận dụng khoảng đất trống để trồng rau.
Trên thực tế, không phải gia đình nào ở thành phố cũng có điều kiện để tự trồng rau ăn hàng ngày và vấn đề lâu dài cần quan tâm là việc người tiêu dùng phải được tiếp cận với nguồn nông sản sạch.
Để giải quyết vấn đề này, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thiết lập chuỗi các hoạt động đảm bảo ATVSTP xuyên suốt từ nông trại đến bàn ăn. Các đơn vị sản xuất cam kết tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATVSTP theo quy định hiện hành, lực lượng chức năng sẽ giám sát, kiểm tra chất lượng của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản được xác nhận kiểm soát ATVSTP.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều mô hình cung cấp nông sản an toàn, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và thường xuyên giám sát như: Mô hình sản xuất nấm theo tiêu chuẩn Vietgap ở huyện Yên Thành; mô hình trồng rau sạch tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu; mô hình trồng cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp…
Hiện nay, các mô hình này đều đã có cơ sở phân phối hoặc các đại lý tại TP Vinh với hy vọng, việc cung cấp sản phẩm nông sản sạch có nguồn gốc rõ ràng, xuất xứ từ các vùng nông thôn sẽ là cú hích quan trọng để đưa người tiêu dùng đến gần hơn với các sản phẩm sạch.
Mặc dù người tiêu dùng có nhu cầu cao về nông sản sạch nhưng nhiều cửa hàng bán rau an toàn ở TP Vinh vẫn gặp khó khăn trong đầu ra. Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng chuyên bán sản phẩm nông sản an toàn, lượng khách tìm đến đây mỗi ngày vẫn rất khiêm tốn, trái ngược hoàn toàn với cảnh tấp nập của các hàng rau ở chợ. Người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua ở chợ và nhiều người cho rằng, giá cả của các loại hàng nông sản tại các cửa hàng rau an toàn đắt hơn so với chợ. Thậm chí, nhiều người còn đặt ra nghi vấn, nông sản sạch nhưng liệu thực chất có sạch hay không?
Ngoài ra, khâu truyền thông của các cửa hàng này vẫn đang là một điểm yếu, bởi vậy, con đường đến phố thị của nông sản sạch vẫn còn nhiều chênh vênh, trắc trở.