Hàng triệu công nhân lao động đang sống khó khăn là thực tế cả xã hội phải thừa nhận. Thế nhưng câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động lại luôn rất nóng mỗi khi đến kỳ họp. 3 phiên họp căng thẳng, Hội đồng tiền lương Quốc gia vẫn không thể chốt được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 và phải trình xin ý kiến Chính phủ.
Phiên họp hôm 20-7 vừa qua bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2017 cũng rơi vào bế tắc. Nguyên nhân là do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đề xuất mức tăng 10- 11% để đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động, thế nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn chỉ đề xuất ở mức 4- 5%.
PV đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) xung quanh vấn đề tăng lương tối thiểu vùng 2017 và đời sống của công nhân, người lao động hiện nay.
PV: Thưa ông, tiêu chí về nhà ở đã được bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa vào để tính toán nhu cầu sống tối thiểu trong lần họp bàn về tăng lương tối thiểu vùng 2017. Ông đánh giá thế nào về điểm mới này?
TS Vũ Quang Thọ: Tôi cho rằng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia năm nay đã có sự chuẩn bị khá chu đáo khi đã có những khảo sát cụ thể để đánh giá nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, từ đó làm căn cứ tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 lần này. Những con số về nhu cầu sống tối thiểu của người lao động hiện nay do bộ phận kỹ thuật đưa ra tôi cho là cũng khá sát với thực tế như việc như các khảo sát của Tổng LĐLĐVN.
Việc đưa tiêu chí nhà ở vào để đánh giá tôi cho là điều cần thiết bởi người công nhân sau thời gian làm việc họ cũng cần phải có chỗ ăn, chỗ nghỉ. Trên hết đó là quyền con người do đó tiêu chí này cũng phải được đề cao. Và rõ ràng nó cũng là nhu cầu cần thiết nên tất yếu cũng phải được tính đến.
PV: Tham gia các cuộc họp bàn tăng lương tối thiểu vùng, bộ phận kỹ thuật đã có sự chuẩn bị chu đáo như thế, tại sao cuộc họp hôm 20- 7, các bên vẫn chưa thống nhất được phương án thưa ông?
TS Vũ Quang Thọ: Cũng như các lần họp bàn tăng lương lần trước, là vì các bên vẫn chưa thống nhất được con số. Chẳng hạn như Tổng LĐLĐVN đưa ra con số lương tối thiểu vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu. Nói 80% cũng vẫn chỉ là nói theo con số do Tổng LĐLĐVN khảo sát và đưa ra. Thế nhưng Bộ LĐ-TB&XH có cách tính khác, VCCI có cách tính khác. Nếu Tổng LĐLĐ đưa ra con số thì các đơn vị kia chỉ nói đó là con số phía Tổng LĐLĐ đưa ra, chứ không có ai đứng ra để nói rằng con số của đơn vị này mới là con số chính xác, để phân xử con số nào mới là con số chính xác và buộc các bên còn lại phải chấp nhận.
Chúng tôi đã có khuyến cáo là nên để cho Tổng cục Thống kê làm việc này vì đây là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm con số của một quốc gia. Thế nhưng đến bây giờ Tổng cục Thống kê vẫn chưa trực tiếp vào cuộc. Nếu làm được điều này nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các bên. Chính vì thế sau rất nhiều lần họp bàn nhưng vẫn chưa thống nhất được con số mức sống tối thiểu cụ thể là bao nhiêu. Từ đó dẫn đến việc các cuộc họp tiền lương tối thiểu luôn gay gắt.
Ví dụ rõ nhất là VCCI luôn đưa ra một con số rất thấp và họ cũng bảo vệ quyết liệt quan điểm của họ. Tổng LĐLĐ khảo sát thì tiền nuôi người ăn theo như con cái bằng 0,7 người lớn, thế nhưng họ chỉ cho rằng bằng 0,5. Hoặc họ đưa ra con số là tiền lương tối thiểu thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu chỉ khoảng 10% chứ không phải 20% như con số của Tổng LĐLĐ.
TS Vũ Quang Thọ. |
PV: Viện Công nhân và Công đoàn đã thực hiện rất nhiều cuộc khảo sát, ông thấy đời sống thực tế của người lao động hiện ra sao?
TS Vũ Quang Thọ: Tôi phải nói thật là với mức lương như hiện nay, người lao động mới chỉ đủ để tồn tại. Sống để ra con người thì chưa đúng nghĩa. Ăn không ra ăn, ngủ không ra ngủ. 4, 5 công nhân phải thuê một cái phòng độ chục mét vuông để làm chỗ ở thì đủ hiểu đời sống công nhân hiện nay ra sao.
PV: Như thế có nghĩa là chủ sử dụng lao động vẫn chưa thực sự quan tâm đến người lao động của mình?
TS Vũ Quang Thọ: Nói về vấn đề này thì tôi thấy họ rất “quan tâm” đấy. Trong cuộc họp bàn về tăng tương tối thiểu vùng hôm vừa rồi, chính tôi nghe đồng chí Chủ tịch Tập đoàn Dệt may và đại diện VCCI nói nguồn nhân lực là nguồn vàng của chúng tôi. Còn thực tế thì khác xa. Anh đối xử với nguồn vàng như thế nào? Anh có coi nó là vàng không?
Ví dụ điển hình có thể nói ra ở đây là bữa ăn ca của công nhân. Tổng LĐLĐ cũng vừa khảo sát về bữa ăn đây, tôi nói thật bữa ăn đó cũng chẳng ra bữa ăn. Chính vì thế mới sinh ra chuyện ngộ độc, mới sinh ra chuyện có những doanh nghiệp hàng trăm người đi vào bệnh viện.
Nghị quyết Tổng LĐLĐ đặt ra là bữa ăn của công nhân thấp nhất phải 15.000 đồng, thế nhưng vẫn có những doanh nghiệp chỉ có 8.000, 9.000 đồng một bữa ăn. Với mức giá cả thị trường như hiện nay thì 8.000 đồng thử hỏi anh, anh ăn cái gì? Ăn như thế thì làm gì có thức ăn, lấy đâu ra protein để người ta tái tạo sức lao động đã tiêu tốn.
PV: Tình cảnh của người lao động thế thì bài toán tiền lương của họ phải được giải quyết thế nào?
TS Vũ Quang Thọ: Số công nhân lao động của chúng ta hiện khoảng 10 triệu người. Đây là con số rất lớn, không những thế họ cũng đóng góp quá lớn vào nền kinh tế đất nước. Có họ thì mới có khu công nghiệp, mới có các doanh nghiệp được. Nếu không có họ thì ông chủ sản xuất gì, kinh doanh gì. Do đó, đề nghị Chính phủ và các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan, ngay cả 3 cơ quan trong Hội đồng tiền lương Quốc gia phải thống nhất được lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu ngang bằng với nhu cầu sống tối thiểu. Phải có lộ trình này thì mới lượng định được mức độ điều chỉnh tiền lương.
Tiếp nữa, yêu cầu phải có một cơ quan chức năng đặc trách công bố con số có hiệu lực được các bên thừa nhận về nhu cầu sống tối thiểu, về mức lương tối thiểu hiện nay. Thứ ba là Chính phủ phải cam kết kiểm soát được mức độ lạm phát của nền kinh tế. Chứ nếu lương tăng cao nhưng lạm phát cao thì bằng thừa. Cam kết kiểm soát lạm phát chính là cam kết cho đời sống của người lao động.
Thứ tư nữa là Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan hữu quan phải chăm sóc tốt phần đời sống tinh thần của người lao động. Cái này ít liên quan đến đời sống vật chất nhưng nó là một phần của quyền con người, không thể thiếu được.
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về việc quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động?
TS Vũ Quang Thọ: Thứ nhất là phải có chỗ ở tử tế. Thứ hai là phải có nhà trẻ, chỗ gửi con cho họ. Tránh tình trạng họ đẻ con ra rồi lại phải đưa về quê cho ông bà chăm sóc. Tôi nói kể cả bà nội, bà ngoại chăm sóc cũng không thể bằng vợ chồng người công nhân chăm sóc được. Con ai cũng thế, đây là điều rất căn bản. Cứ chăm lo tốt cho họ cái chỗ ở, chỗ gửi con thôi đã là tốt lắm rồi, họ cũng yên tâm hơn để làm việc. Đó là những thứ không thể không có.
PV: Thế chẳng lẽ, như ông nói người công nhân họ không cần đến đời sống tinh thần?
TS Vũ Quang Thọ: Nhiều công nhân khi chúng tôi thực hiện các cuộc khảo sát, trước câu hỏi ngoài thời gian làm việc, thời gian còn lại anh làm gì? Họ trả lời là chúng tôi chỉ cần được làm thêm. Thứ nhất, họ tiêu tốn bớt thời gian đi. Cái này là đi ngược lại với xu thế là tăng năng suất lao động để người lao động có thời gian tất yếu để phát triển văn hóa tinh thần. Thế nhưng nghịch lý là muốn tăng thêm đời sống văn hóa thì phải trả tiền mà tiền ở đâu ra. Chính vì thế người ta muốn làm thêm để tiêu tốn bớt thời gian còn lại đi.
Thứ 2 nữa là làm thêm họ có thêm thu nhập hợp pháp chính đáng. Nghe câu chuyện của họ, chúng tôi chảy nước mắt. Họ đã phải làm lụng quần quật cả ngày, chỉ dành ra có mấy tiếng để ngủ. Thế thì sao gọi là sống được. Tổ chức Lao động quốc tế ILO khuyến cáo và cũng có thông tư của Bộ LĐ-TB&XH quy định về thời gian làm thêm giờ bao nhiêu tiếng trong 1 tuần, 1 tháng. Cái đó là nhân văn nhưng thực tế đó là dành cho những nước có mức lương cao, tiền lương đủ để trang trải cuộc sống. Chứ còn tiền lương của chúng ta quá thấp, vì thế mà họ mới muốn làm thêm. Chung quy lại tất cả cũng là vì tiền lương.
PV: Thế nhưng trong cuộc họp bàn tăng lương hôm 20-7 vừa qua, VCCI chỉ đề xuất mức tăng là 4- 5%, Lý do họ đưa ra ở đây là gì thưa ông?
TS Vũ Quang Thọ: Họ viện lý do là doanh nghiệp không có tăng trưởng kinh tế, không có mở rộng sản xuất, không có đơn hàng… Thậm chí, họ còn đặt ra câu hỏi với phía Tổng LĐLĐ là Tổng LĐLĐ cứ đòi tăng lương cho công nhân, thế còn công chức viên chức mức lương cơ sở chỉ có 1.150 nghìn đồng mà họ vẫn sống tốt.
PV: Cuộc họp tiền lương đợt này, phiên thứ nhất các bên vẫn chưa đi đến được thống nhất. Tổng LĐLĐVN đề xuất mức 10 đến 11%, nhưng VCCI chỉ đề xuất 4- 5%, theo ông họp tăng lương tối thiểu 2017 liệu có căng thẳng như năm 2016?
TS Vũ Quang Thọ: Tôi dự đoán cuộc họp thứ 2 đầu tháng 8 này chắc chắn sẽ vẫn căng thẳng và chưa thể đi đến thống nhất được. Vì quan điểm của Tổng LĐLĐ là quyết liệt bảo vệ quyền lợi của người lao động, do đó mới đề xuất mức tăng khoảng 11%, cùng với đó là để rút ngắn lộ trình tăng lương tối thiểu ngang bằng với nhu cầu sống tối thiểu, nhưng phía VCCI viện dẫn rất nhiều lý do để chỉ tăng ở một mức thấp nhất.
PV: Với việc tăng lương tối thiểu nhỏ giọt thế này, theo ông thì lộ trình phải đến khoảng thời gian nào, mức lương tối thiểu của người lao động mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu?
TS Vũ Quang Thọ: Nếu vẫn cứ tình hình một bên đề xuất 10 - 11%, một bên chỉ 4- 5% thì sẽ vẫn giằng co ít nhất đến năm 2020 thì may ra lương tối thiểu mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Nói thật là với mức tăng 4- 5% thì cũng mới chỉ bù đắp được phần trượt giá chứ cũng chưa thể nâng được đời sống của người lao động lên. Như thế là người lao động chưa được trả xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Cho nên câu chuyện tăng lương sẽ còn dai dẳng lắm.
Khổ nhất là người công nhân lao động, cứ mỗi lần tăng lương là họ lại phải chuyển đến chỗ ở mới kém hơn bởi giá thuê nhà tăng cao, tiền điện, tiền nước… cũng tăng theo. Do đó, việc kiềm chế lạm phát là hết sức quan trọng, tăng được 10% lương mà lạm phát 15% thì chẳng nghĩa lý gì.
PV: Xin cảm ơn ông!