Bấm play để xem video
Mặc dù ngành thuế đã thu được 20.000 tỉ đồng tiền nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, tăng 17,9 % so với cùng kỳ, tuy nhiên, số nợ đọng thuế trong 6 tháng đầu năm nay tăng nhẹ so với cuối năm 2015. Tính đến hết 30/6/2016, tổng số nợ đọng thuế trong cả nước là 76.000 tỉ đồng.
Trong bảng danh sách nợ đọng thuế đợt 4 do Cục thuế Hà Nội công khai, có tới 119 DN nợ thuế, và thậm chí có DN nợ thuế lên tới 21 tỷ đồng. Và trong đợt 5 vừa công bố trung tuần tháng 5 vừa qua, có tới 131 DN nợ thuế với số tiền là 255,3 tỷ đồng. Đây là con số thực sự đáng lo ngại.
Điều này không chỉ tạo gánh nặng riêng cho Cục thuế HN, mà còn là áp lực chung đối với ngành thuế.
Ông Nguyễn Đại Trí- Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục thuế cho biết: Nguyên nhân nợ đọng thuế do khách quan là ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế trong nước và thế giới, dẫn đến làm ăn thua lỗ, sản xuất đình đốn, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm; sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản, chứng khoán, dự án thiếu vốn, thậm chí không bố trí được vốn. Nhưng bên cạnh đó, cũng có DN chây ỳ, có nguồn tiền, có dự án, vẫn cố tình dây dưa nợ thuế.
Hiện nay, cái khó chính là việc cưỡng chế thu thuế bằng trích từ tài khoản của DN tại ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Bởi vì DN có nhiều tài khoản, nhưng tài khoản cung cấp cho cơ quan thuế lại có số dư rất ít, không thể cưỡng thu từ đó. Trước thực trạng này, ngành thuế sẽ cần phải có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ.
Các chuyên gia kinh tế cũng như Tổng cục Thuế cho rằng, sắp tới có thể cân nhắc yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp tất cả các loại tài khoản để đảm bảo thực thi nghĩa vụ thuế. Và cũng cần tìm hiểu tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế, để xác định nguyên nhân nợ thuế. Từ đó, cơ quan thuế sẽ có giải pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể, vừa chia sẻ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách, đồng thời áp dụng biện pháp quyết liệt với DN chây ỳ nộp thuế.