Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201607/be-boi-kinh-doanh-khong-phep-686724/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201607/be-boi-kinh-doanh-khong-phep-686724/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bể bơi kinh doanh không phép - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 06/07/2016, 08:57 [GMT+7]

Bể bơi kinh doanh không phép

(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hàng chục bể bơi đang hoạt động nhưng phần lớn trong số này đều chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Thậm chí, một số bể bơi còn hoạt động vượt quá chức năng cho phép, liên kết kinh doanh để thu lợi bất chính trước sự thờ ơ của các đơn vị chức năng.

Hàng loạt bể bơi kinh doanh trái phép

Liên quan đến vụ việc cháu Lê Việt Anh (9 tuổi), bị tử vong do đuối nước trong ngày đầu tiên đến học bơi tại bể bơi khách sạn đạt chuẩn 4 sao Vinh Plaza hôm 28/6, Thanh tra sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An đã có thông tin kết luận bước đầu.

Dù đã bị từ chối cấp phép nhưng bể bơi tại Trường Trung cấp Việt Anh vẫn ngang nhiên hoạt động
Dù đã bị từ chối cấp phép nhưng bể bơi tại Trường Trung cấp Việt Anh vẫn ngang nhiên hoạt động

Theo ông Phạm Nghĩa Dũng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì ngay sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, Thanh tra kết hợp với Phòng nghiệp vụ - Thể thao, Phòng Văn hóa, Thông tin TP Vinh và Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại bể bơi này và bước đầu phát hiện nhiều sai phạm.

Bể bơi này bắt đầu đưa vào hoạt động từ tháng 5/2016. Mặc dù đã có đầy đủ các giấy tờ như giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT nhưng khi đưa vào hoạt động, đơn vị chủ quản là Công ty CP Khách sạn Vinh Plaza lại không thông báo để cơ quan quản lý thẩm định đủ điều kiện về các hoạt động bơi lội hay không.

Sáng 28/6, ông Nguyễn Quỳnh Hải là thầy giáo dạy bơi đã cùng với 2 giáo viên khác, mua 6 vé vào bể bơi để dạy cho 6 cháu, với mức giá 60.000 đồng/người thì xảy ra sự việc đau lòng nói trên. Đặc biệt, thời điểm xảy ra vụ việc, nước trong bể bơi rất đục, không nhìn thấy đáy dù bể chỉ có độ sâu từ 1,2 - 1,8 m.

“Đoàn Thanh tra đã lập biên bản đình chỉ hoạt động của bể bơi này kể từ ngày 28/6 đến khi khắc phục xong sự việc và hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ xử phạt hành chính, tuy nhiên chờ khắc phục xong hậu quả rồi mới ban hành quyết định”, ông Dũng cho biết thêm.  

Theo thống kê, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh Nghệ An có 59 bể bơi không có khán đài và 3 bể bơi có khán đài. Các bể bơi này vẫn ngang nhiên hoạt động dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động. Trong quá trình vận hành, những bể bơi này cũng rất ít khi được các cơ quan chức năng quản lý kiểm tra về quy chuẩn kĩ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh, chỉ đến khi xảy ra sự việc đau lòng thì mới vội vã thanh tra, kiểm tra theo kiểu trấn an dư luận.

Tại huyện Quỳ Hợp, gia đình anh Loan, chị Yến đã đầu tư gần 1 tỉ đồng để xây dựng bể bơi tại bản Na Khốm, xã Châu Quang để tổ chức dạy bơi và bán vé cho cả trẻ em lẫn người lớn có nhu cầu. Bể bơi này hoạt động cả tháng nay, mỗi ngày thu hút hàng trăm người đến bơi lội nhưng cơ quan chức năng đã phớt lờ.

Tương tự, bể bơi của Trường Trung cấp Việt Anh tại phường Quán Bàu (TP Vinh) đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng dưới dạng “chui”. Mặc dù đơn vị chủ quản đã gửi hồ sơ xin cấp phép nhưng xét thấy bể bơi này không đủ điều kiện và tiêu chuẩn nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả hồ sơ từ chối cấp phép.

Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, bể bơi này vẫn liên tục hoạt động từ sáng đến chiều tối, chiêu sinh và mở các lớp dạy bơi đủ mọi lứa tuổi. Nhà trường còn liên kết, thuê thầy dạy bơi ở bên ngoài tổ chức các lớp dạy bơi cho các em. Được biết, bể bơi của Trường Trung cấp Việt Anh có độ sâu từ 1 -  1,6 m, 1/3 bể có mái che nhưng xét theo quy chuẩn thì không đạt.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhà trường cho rằng, bể bơi chỉ phục vụ các cháu học sinh mầm non của nhà trường. Tuy nhiên, thực tế nhà trường đã “qua mặt” cơ quan chức năng để “chiêu sinh” hàng trăm cháu nhỏ bên ngoài để đào tạo kỹ năng bơi.

Lúng túng trong công tác quản lý

Thực trạng tại bể bơi của Trường Trung cấp Việt Anh cũng là thực tế của nhiều bể bơi trên địa bàn TP Vinh hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Đoàn (một giáo viên dạy bơi hiện đang nhận hợp đồng dạy bơi cho rất nhiều cơ sở trên địa bàn TP Vinh) cho biết: Có nhiều bể bơi tại các trường học mục đích là để phục học sinh, tuy nhiên trên thực tế, các đơn vị này đã liên kết với thầy giáo bên ngoài để mở các lớp dạy bơi trá hình, thu lợi bất chính.

Đơn cử là tại Trường Mầm non Blue sky, bể bơi được thiết kế dành riêng cho các cháu nhưng thực tế, tại đây đang diễn ra hoạt động dạy bơi cho rất nhiều trẻ bên ngoài có nhu cầu, thu lợi hàng trăm nghìn đồng mỗi cháu từ các khóa học bơi. Điều này cũng đang diễn ra tại các bể bơi ở Nhà Văn hóa Lao động Nghệ An, khách sạn Mường Thanh Sông Lam, khách sạn Mường Thanh Phương Đông, khách sạn Kim Liên…

Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, phần lớn các bể bơi này hoạt động khi chưa có chứng chỉ kinh doanh dịch vụ bơi lội, nhân viên cứu hộ không có chứng chỉ hành nghề.

Về điều kiện kiểm tra thực tế, kích thước một số bể bơi chưa đạt tiêu chuẩn, đáy bể một số nơi không có độ dốc theo quy định. Nước trong bể bẩn đục không nhìn thấy đáy, một số nơi chưa có dây phao biển báo và sàn cứu hộ. Hầu hết các bể bơi không trang bị tủ thuốc, dụng cụ, nhân viên y tế nhưng vẫn đưa vào hoạt động, thu lợi bất chính với số tiền 20.000 đồng/người/lượt bơi.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết: Trước tình trạng trẻ đuối nước tăng cao vào dịp hè, ngày 2/6 vừa qua, Giám đốc Sở đã có Công văn 1376 để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao, đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch.

Theo đó, đã chỉ đạo cần tổ chức rà soát các cơ sở hoạt động dịch vụ thể dục thể thao và các câu lạc bộ cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, tổng hợp kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan thực hiện đúng các quy định của Nhà nước; đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh tra, kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra thực tế tại các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao và các câu lạc bộ trên địa bàn. Chậm nhất đến ngày 15/6 phải báo cáo thống kê về Sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có địa phương nào có số liệu báo cáo.

Theo Thông tư 02/2011 và 14/2014 của Bộ VH-TT&DL về điều kiện hoạt động bơi lặn thì nhân viên chuyên môn huấn luyện luyện tập phải là huấn luyện viên, hướng dẫn viên, vận động viên từ cấp II trở lên; có bằng cấp chuyên ngành về thể dục thể thao phù hợp từ bậc trung cấp trở lên; có giấy chứng nhận chuyên môn do Liên đoàn Thể thao quốc gia hoặc cấp quốc tế tương ứng cấp; giấy chứng nhận được đào tạo chuyên môn do Sở VH-TT&DL tỉnh, thành phố trực thuộc TW cấp.

Quy định chặt chẽ là vậy, tuy nhiên, hầu hết các đơn vị quản lý, kinh doanh bể bơi trên địa bàn chưa thực hiện đầy đủ các quy định và bỏ qua việc xin cấp phép hoạt động. Điều đó dẫn đến việc quản lý của hệ thống bể bơi bị thả nổi. Những bất cập này không chỉ gây nhiều rủi ro với người dân mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trái luật, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

.

Thiện Thành - Phan Phượng

.