Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201602/toc-nguoi-dan-lai-thach-thuc-va-bao-ton-662169/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201602/toc-nguoi-dan-lai-thach-thuc-va-bao-ton-662169/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tộc người Đan Lai: Thách thức và bảo tồn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 17/02/2016, 07:57 [GMT+7]

Tộc người Đan Lai: Thách thức và bảo tồn

(Congannghean.vn)-Trong cộng đồng các dân tộc anh em, người Đan Lai là một tộc người số lượng ít. Hiện tại, tộc người này chỉ còn khoảng hơn 3.000 người, sinh sống duy nhất tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Đan Lai đã về định cư, hình thành nên những bản làng mới với nhiều đổi thay.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai cũng như bảo tồn sự đa dạng sinh thái của Vườn quốc gia Pù Mát và bảo vệ an ninh biên giới thì vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm giải quyết.

Truyền thuyết lịch sử và sự hồi sinh

Theo tư liệu và lời kể của các già làng, cách đây khoảng 400 năm trước (nửa đầu thế kỷ XVIII), vào thời kỳ đất nước loạn lạc, ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) có một tên bạo chúa rất gian ác. Một hôm, hắn ban lệnh bắt dòng họ La trong làng phải nộp đủ 100 cây nứa bằng vàng và một con thuyền liền mái chèo. Dân làng họp nhau lại, nghĩ mãi không ra, tìm đỏ mắt không thấy những thứ mà tên bạo chúa yêu cầu.

Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành liên quan và huyện Con Cuông về Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát” (8/2015)
Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành liên quan và huyện Con Cuông về Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát” (8/2015)

Quá sợ hãi vì thời hạn giao nộp đã đến, vào một đêm trời tối đen như mực, cả làng gồng gánh nhau thắp đuốc trốn chạy lên núi. Những người đàn ông khỏe mạnh đi trước chặt cây mở đường, họ ngược sông Giăng, đến khe Khặng thuộc vùng biên giới Việt - Lào (vùng đất Môn Sơn, huyện Con Cuông ngày nay). Đoàn người chạy mãi vào tận rừng sâu, đến nơi không còn thấy bóng người mới dám dừng lại.

Thời gian trôi qua, thấm thoát đã 400 năm, đồng bào Đan Lai sống du thực trong rừng sâu. Do ít được học hành và tiếp xúc với xã hội bên ngoài nên nhìn chung, mặt bằng dân trí của đồng bào còn thấp, đời sống vô cùng khó khăn. Bao đời nay, họ sống chủ yếu dựa vào khai thác các nguồn lợi của rừng. Để bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 280/2006 về “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”, với tổng kinh phí trên 90 tỉ đồng.

Thực hiện Đề án của Chính phủ, tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông đã quan tâm giúp đỡ đồng bào, đưa họ đến định cư ở những vùng đất mới để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với các dân tộc khác và bảo tồn sự đa dạng sinh thái của Vườn quốc gia Pù Mát. Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng chủ công thực hiện Đề án là Bộ đội Biên phòng Nghệ An.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Kế hoạch 316, thành lập Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án, giúp đồng bào Đan Lai dựng nhà cửa, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, canh tác, tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thượng úy Hồ Quốc Việt, Trạm phó Trạm Kiểm soát  Khe Khặng thuộc Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An cho biết: “Thông qua kế hoạch giúp đỡ người Đan Lai trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, chúng tôi còn hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, như cách chăm sóc lúa nước, chăn nuôi và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhờ thế, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt”.

 Lực lượng Bộ đội Biên phòng trực tiếp hướng dẫn bà con Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển kinh tế hộ gia đình - Ảnh: Thạch Sơn
Lực lượng Bộ đội Biên phòng trực tiếp hướng dẫn bà con Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển kinh tế hộ gia đình - Ảnh: Thạch Sơn

Chúng tôi có cơ hội ghé thăm bản Cò Phạt - một trong những bản thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Bí thư Chi bộ La Văn Linh cho biết, bản có 108 hộ với 447 nhân khẩu là tộc người Đan Lai. Chi bộ bản Cò Phạt có 7 đảng viên và là một trong những chi bộ vững mạnh của Đảng bộ xã Môn Sơn.

Từ tháng 9/2002, huyện Con Cuông đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, lực lượng Kiểm lâm, cơ quan quản lý du lịch làm tốt công tác giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ rừng và kết hợp phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát. Đồng thời, tổ chức ổn định đời sống cho đồng bào; tiếp tục hỗ trợ ổn định sản xuất cho 36 hộ đồng bào Đan Lai tại 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào.

Những thách thức

Vùng thượng nguồn khe Khặng (vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát) thuộc địa bàn xã Môn Sơn được coi là vùng “đất tổ” của tộc người  Đan Lai. Do cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên và nguồn thức ăn trong rừng, với phương thức cơ bản là “chặt - bắt - đổi” nên họ sống theo hình thức du canh, du cư. Khi nguồn thức ăn cạn kiệt, họ lại tìm đến nơi mới.

Quá trình thường xuyên di chuyển khiến cho cuộc sống của người Đan Lai có nhiều biến động… Bên cạnh đó, tập tục hôn nhân cận huyết dẫn tới tình trạng kém phát triển về thể chất, trí tuệ và tuổi thọ. Do cuộc sống tách biệt hoàn toàn với các tộc người khác nên trình độ dân trí của người Đan Lai rất thấp, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Mục tiêu của Đề án 280/2006 về “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” là góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của tộc người này, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến suy thoái nòi giống.

Đồng thời, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Đan Lai. Thế nhưng, hiện nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho đồng bào còn dang dở, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Thạc sỹ Bùi Minh Thuận, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh, người có thời gian 8 năm “theo đuổi” đề tài nghiên cứu về tộc người Đan Lai cho biết: “Qua khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa của tộc người Đan Lai, chúng tôi thấy rằng, hiện đang có sự giao thoa về văn hóa giữa đồng bào Đan Lai với các dân tộc khác. Để hiện thực hóa mục tiêu của Đề án, cần tập trung hoàn thiện các hạng mục đầu tư xây dựng đã phê duyệt, chú trọng tới việc hướng dẫn đồng bào các phương thức sản xuất mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật cho người dân, qua đó tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi để đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế và tiếp thu những thành tựu văn minh mới, xây dựng đời sống ngày càng no ấm, giàu mạnh".

.

Châu Yên

.