Trong những năm gần đây, do tác động của nền kinh tế thị trường và nhiều cơ chế, chính sách xã hội khác, thị trường bất động sản gần như “đóng băng” trên các sàn giao dịch. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến những tháng đầu năm 2016, thị trường bất động sản sẽ “nóng” trở lại.
Thời điểm năm 2010, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đánh giá là “sốt” nhất từ trước tới nay. Nhiều nhà đầu tư thắng lợi khi gom được số lượng lớn diện tích đất ở, khu chung cư, biệt thự… để bán ra thị trường. Cùng với đó, nhiều dự án nhà ở liền kề, chung cư cao cấp đã được triển khai xây dựng tại nhiều “vùng đất vàng” trên địa bàn TP Vinh.
Các chung cư trên địa bàn TP Vinh đang được gấp rút hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân |
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thị trường bất động sản có dấu hiệu lắng xuống do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và cơ chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước có nhiều thay đổi. Nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội, chung cư liền kề trở nên “bất động”. Thậm chí, vào thời điểm năm 2012 - 2013, nhiều nhà đầu tư đồng loạt phá sản vì bất động sản. Do vậy, hệ lụy của việc thị trường bất động sản “chìm xuống” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư mà còn tác động lớn đến người dân tham gia vào việc mua bán nhà đất, khiến họ luôn nơm nớp lo sợ. Giá đất và các căn hộ chung cư “đắp chiếu” trong suốt một thời gian dài.
Bắt đầu từ quý III/2015 đến thời điểm hiện nay, theo khảo sát thị trường bất động sản đang dần “nóng” trở lại. Tại nhiều sàn giao dịch trên địa bàn Nghệ An như: PVCN, Tecco, Nhà đất Việt Nghệ An… đang mở bán nhiều căn hộ chung cư, nhà ở liền kề với giá “hấp dẫn”. Lượng người đăng ký mua nhà ở xã hội, căn hộ chung cư cũng bắt đầu tăng trở lại. Mặc dù nhiều căn hộ chung cư đang trong quá trình triển khai xây dựng nhưng các nhà đầu tư đã mạnh dạn đưa ra giá chào bán “hấp dẫn” để “hút” khách hàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong những tháng cuối năm 2015, số lượng người đăng ký mua nhà ở xã hội, căn hộ chung cư tăng trở lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc nới lỏng hệ số rủi ro của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 36/2014 đối với các trường hợp cho vay bất động sản từ 250% xuống còn 150% đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực. Nghĩa là, so với thời điểm trước, nếu người dân muốn giao dịch tín dụng để mua nhà bằng nguồn vốn vay của Nhà nước thì phải chịu hệ số rủi ro cao, phải thế chấp tài sản và chứng minh nguồn thu nhập, với thủ tục chặt chẽ thì nay, cơ chế đã có phần thông thoáng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, gói vay 31.000 tỉ đồng mà Nhà nước đang triển khai cho thị trường bất động sản được đánh giá là phát huy hiệu quả tích cực trong việc tạo cơ hội để người dân có thu nhập thấp có thể tiếp cận vay vốn. Mặt khác, sự phục hồi của nền kinh tế đang góp phần tạo đà cho thị trường đất và nhà ở sôi động trở lại.
Qua khảo sát, tại sàn giao dịch Tecco ở TP Vinh, chỉ tính trong năm 2015, đơn vị này đã giao dịch thành công 350 căn hộ thuộc 7 dự án chung cư trên địa bàn. Các dự án chung cư như: Tràng An 1, Tràng An 2, Khu đô thị Vinh Tân, Long Châu, Hồng Sơn, Eco-Home… đang có sức hút với những người làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp có thu nhập trung bình. Với diện tích căn hộ từ 50 - 60 m2, giá bán bình quân chỉ dưới 500 triệu đồng, đã có nhiều khách hàng đến đăng ký thủ tục mua nhà ngay từ khi dự án bắt đầu khởi công xây dựng. Về phía nhà đầu tư, với mức giá khởi điểm như trên, họ hy vọng rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ các dự án chung cư đã và đang triển khai xây dựng đều được đăng ký mua. Bên cạnh đó, việc phân khúc về giá cả nhà ở tại các dự án chung cư cao tầng, nhà ở liền kề đã tạo điều kiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, làm thủ tục mua bán với nhà đầu tư…
Có thể thấy, cùng với nhiều cơ chế nới lỏng mức vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước, chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với thị trường nhà và đất ở trong thời gian qua đã làm cho lĩnh vực này bắt đầu sôi động trở lại. Số lượng người dân đăng ký các nguồn vốn vay lưu thông từ hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã tăng so với thời gian trước. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu cơ, tạo “cơn sốt ảo” về giá cả nhà và đất ở trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải có phương án tính toán đảm bảo tính hợp lý. Bên cạnh đó, việc siết chặt các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo đúng đối tượng, đúng nhu cầu cũng cần được quan tâm, chú trọng.