Kinh tế xã hội
Phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp gắn với giải quyết việc làm
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong công tác khôi phục và phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động, nhất là ở vùng nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp tại nhiều địa phương hiện nay.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và người dân, trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế của từng vùng, làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, nhiều địa phương đã có nhiều đột phá quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với mục tiêu giảm nghèo bền vững và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, thời gian qua, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Đơn cử như, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; nguồn lực đầu tư của địa phương cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn hạn hẹp; các ngành nghề đào tạo mặc dù có sự gia tăng về số lượng người học nhưng chất lượng chưa tương xứng, nhất là các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, chất lượng của học viên sau đào tạo còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn...
Lao động nông thôn tham khảo mô hình trồng nấm ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương |
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 06/NQ-TU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu Đề án là phấn đấu đến năm 2020, xây dựng được từ 30 - 50 làng nghề; đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, du nhập nghề mới và phát triển ngành nghề nông thôn, gắn với xây dựng làng nghề, làng có nghề; đơn vị kinh tế doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, thành viên các HTX, làng nghề, làng có nghề nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu là phấn đấu sau đào tạo, truyền nghề, có 85 - 90% người lao động có trình độ tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định tại các làng nghề, làng có nghề, doanh nghiệp, HTX và tự tạo việc làm ở địa phương.
Đồng thời, hình thành nhiều làng có nghề và làng nghề với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hoạt động hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Ngoài ra, cung cấp nhiều lao động có trình độ, tay nghề cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; kết hợp đẩy mạnh công tác xã hội hóa về đào tạo nghề, huy động mọi nguồn lực làm tăng quy mô và chất lượng đào tạo nghề cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
Để đạt được các mục tiêu này, các địa phương và các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về đào tạo nghề để các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trong sự nghiệp CNH-HĐH và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Xuân Thống