Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201508/cap-phep-tham-do-khai-thac-cat-soi-tai-xa-thanh-son-huyen-anh-son-nguy-co-mat-dat-hoa-mau-anh-huong-den-san-xuat-632288/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201508/cap-phep-tham-do-khai-thac-cat-soi-tai-xa-thanh-son-huyen-anh-son-nguy-co-mat-dat-hoa-mau-anh-huong-den-san-xuat-632288/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nguy cơ mất đất hoa màu, ảnh hưởng đến sản xuất - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 24/08/2015, 09:29 [GMT+7]
Cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn

Nguy cơ mất đất hoa màu, ảnh hưởng đến sản xuất

(Congannghean.vn)-Lo sợ trước thực trạng sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất hoa màu, gây thiệt hại về kinh tế nên từ nhiều năm nay, người dân xóm 5, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn đã liên tục làm đơn kiến nghị gửi lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên, sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm khiến tình hình ngày càng căng thẳng khi có chủ trương cho phép thăm dò, khai thác cát sỏi tại đây.

Theo tìm hiểu, từ đầu năm 2014 đến nay, khi điểm mỏ cát sỏi Thành Sơn được UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch và cấp giấy phép thăm dò cho Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Long Thành (Công ty Long Thành), người dân đã phản đối gay gắt, trực tiếp là hơn 150 hộ dân ở xóm 5. Người dân ở đây lo sợ sẽ xảy ra nguy cơ sạt lở, gây xói mòn đất hoa màu nên đã làm đơn kiến nghị gửi lên các cấp. Tuy nhiên, qua nhiều văn bản trả lời của các cấp thì nguyện vọng của người dân nơi đây vẫn chưa được đáp ứng. Những lo sợ về ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người dân vẫn chưa được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong khi Công ty Long Thành vẫn được cấp phép thăm dò.

Khu vực cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi cho Công ty          Long Thành bị người dân phản đối gay gắt trong thời gian qua
Khu vực cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi cho Công ty Long Thành bị người dân phản đối gay gắt trong thời gian qua

Ông Trần Ngọc Hạnh, Xóm trưởng xóm 5, xã Thành Sơn cho biết: “Người dân chúng tôi sinh sống ở đây đã mấy chục năm nay, đất canh tác rất ít, bình quân mỗi nhân khẩu chỉ được 120 m2 đất hoa màu, còn lại chủ yếu là đồi núi. Hàng năm, mỗi khi mùa mưa lũ về, nhiều diện tích đất canh tác cạnh bờ sông đã bị cuốn trôi. Người dân chúng tôi phải đóng cọc tre, gia cố bờ sông để chống sạt lở. Toàn bộ xóm chỉ có vài chục ha đất hoa màu canh tác cạnh bờ sông, nay vị trí này lại được các cấp cho phép Công ty Long Thành vào thăm dò, khai thác cát sỏi thì nguy cơ sạt lở đất còn lớn hơn nữa. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp, nhưng vẫn chưa được trả lời dứt điểm”. Cũng theo phản ánh của người dân, trước nỗi lo sạt lở, trong tháng 4/2015 vừa qua, người dân ở đây cũng đã tiến hành đóng cọc tre để tạo thành lũy chống sạt lở dọc bãi bồi sông Con.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Vinh, Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cho biết: “Cho đến nay, đã có 6 lượt gửi đơn thư phản đối việc doanh nghiệp vào thăm dò, khai thác cát sỏi của người dân xóm 5, xã Thành Sơn. Thường trực Huyện ủy cũng đã có văn bản yêu cầu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra thực tế để báo cáo, làm rõ. Quan điểm của huyện là phải tính toán “bài toán” kinh tế cho địa phương, chú trọng đến nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường. Kể cả khi doanh nghiệp được phép khai thác cát sỏi mà gây sạt lở nghiêm trọng thì huyện cũng sẽ có ý kiến đình chỉ”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều văn bản hướng dẫn trong việc cấp phép khai thác cát sỏi nói riêng và khoáng sản nói chung, cũng đã đề cập đến tình hình thực tế tại địa phương để xem xét có hay không nên ra quyết định cho phép doanh nghiệp tiến hành khai thác. Nhiều yếu tố như môi trường, các công trình hạ tầng kỹ thuật, danh lam thắng cảnh… được quy định trong Luật Khoáng sản năm 2010 nói rất rõ điều này. Thực tế, tại điểm mỏ cát sỏi ở xóm 5, xã Thành Sơn, thời gian qua, tình trạng người dân phản đối doanh nghiệp có ý đồ tiến hành thăm dò, khai thác cũng xuất phát từ nguyên nhân quyền lợi của họ chưa được quan tâm. Tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp của người dân tại các điểm mỏ khai thác cát sỏi trong thời gian qua vẫn chưa được trả lời một cách thuyết phục.

Thành Sơn là một xã miền núi với trên 3.300 nhân khẩu, trong đó có tới 47% đồng bào dân tộc Thái sinh sống bên bờ sông Con. Toàn xã chỉ có khoảng 100 ha đất hoa màu, trên 100 ha đất trồng mía, còn lại là đồi núi. Thiết nghĩ, để giải quyết thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người dân, đặc biệt là thực trạng đất đai hoa màu tại điểm mỏ khai thác cát sỏi. Mặt khác, khi tiến hành cho phép doanh nghiệp vào khai thác cát sỏi, cần tiến hành kiểm tra thực địa một cách khách quan để tính toán nên hay không cấp phép nếu có thể xảy ra nguy cơ sạt lở và nhiều hệ lụy về môi trường.

.

Ngọc Thái

.