Kinh tế xã hội

Làng nghề trước thềm hội nhập AEC: Cơ hội & thách thức

09:01, 03/06/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Kỳ I: Liên kết, bao tiêu sản phẩm còn manh mún
 
Trong những năm qua, sự phát triển nghề và làng nghề trong tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Nhờ vậy, ở các vùng nông thôn đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều người nông dân trong lúc nhàn rỗi theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do đầu ra của nhiều làng nghề thiếu ổn định, giá bán sản phẩm và lợi nhuận của người làm nghề không cao đã khiến nhiều làng nghề rơi vào cảnh lao đao.
 
Theo số liệu thống kê từ Liên minh HTX tỉnh, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh Nghệ An có gần 400 làng có nghề, 113 làng nghề. Trong đó, phải kể đến huyện Quỳnh Lưu với 27 làng nghề, Nghi Lộc 20 làng nghề, Diễn Châu 18 làng nghề..., nhiều nhất là làng nghề mây tre đan với 41 làng nghề, 24 làng nghề chế biến nông sản... Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
 Làng ngói cừa (Tân Kỳ) đầu tư dây chuyền công nghệ cao vào sản xuất
Làng ngói cừa (Tân Kỳ) đầu tư dây chuyền công nghệ cao vào sản xuất
 
Cách đây khoảng hơn 10 năm, làng nghề mây tre đan Đông Phú, xã Khánh Thành từng một thời vang danh trên vùng đất lúa Yên Thành. Nhờ nghề này mà cuộc sống người dân làng Đông Phú thêm phần sung túc, đủ đầy. Nhưng hiện nay, làng nghề Đông Phú đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nếu như năm 2005, cả làng có hàng trăm người làm nghề mây tre đan xuất khẩu thì đến nay, chỉ có khoảng 5 - 6 người. Không chỉ riêng làng nghề Đông Phú mà đa số các làng nghề mây tre đan ở huyện Yên Thành nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung đang hoạt động trong tình trạng cầm chừng, nhiều làng chỉ còn mang tính duy trì chứ không phát triển.
 
Lý giải về điều này, ông Trần Văn Huy, Trưởng phòng Tư vấn chính sách Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Trong những năm qua, do thị trường đầu ra không ổn định, cộng với tiền công của người làm nghề thấp đã khiến nhiều làng nghề có nguy cơ mai một. Không chỉ ở huyện Yên Thành mà ngay ở các huyện có nghề mây tre đan phát triển như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc cũng đang hoạt động theo kiểu duy trì. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do thị trường đầu ra của sản phẩm không ổn định. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để xuất khẩu trực tiếp, mà các làng nghề mây tre đan chỉ làm các sản phẩm gia công”.
 
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại làng nghề chiếu cói xã Hưng Hòa, TP Vinh. Ở giai đoạn phát triển nhất, toàn xã Hưng Hòa có 8/9 xóm làm nghề chiếu cói, với gần 1.000 hộ dân theo nghề. Nghề làm chiếu cói truyền thống đã góp phần tăng thu nhập cho mỗi gia đình làm nghề dệt chiếu từ 20 - 30 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều loại chiếu có mẫu mã đẹp, được sản xuất theo dây chuyền hiện đại như chiếu trúc, chiếu tre... đã dần thế chỗ chiếu cói.
 
Trong khi đó, nghề dệt chiếu Hưng Hòa đến nay vẫn chưa được sản xuất bằng máy, sản phẩm làm ra chủ yếu được dệt bằng đôi tay của người lao động. Bên cạnh đó, người làm nghề chưa mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất, công nghệ còn chậm đổi mới nên sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với các loại chiếu khác. Đầu ra cho chiếu cói vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chỉ dừng lại ở tiêu thụ nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để tìm kiếm thị trường. 
 
Thực trạng đang diễn ra tại 2 làng nghề nói trên cho thấy một thực tế chung, đó là tại hầu hết các làng nghề, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, theo kiểu manh mún, mạnh ai nấy bán mà thiếu sự liên kết giữa các hộ làm nghề để xây dựng thương hiệu chung và tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, người làm nghề thường phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường bị động khi phải cạnh tranh trên thị trường. Trước thực trạng đó, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề phải bỏ nghề, một số chuyển sang sản xuất đồ thủ công đơn thuần để “cầm cự”.
 
Có thể thấy rằng, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề là nguyên nhân chính khiến người làm nghề phải bỏ nghề. Đầu ra của sản phẩm bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như: Nhu cầu thị trường, chất lượng, giá cả sản phẩm, trong khi công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm lại chưa được chú trọng, bởi đây là khâu quan trọng, quyết định đầu ra của sản phẩm các làng nghề. Bên cạnh đó, các làng nghề cần được sự hỗ trợ, tiếp sức tích cực hơn nữa của các ngành, cơ quan chức năng, đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ người học nghề. Đặc biệt, vào ngày 31/12/2015 tới đây, khi Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì đây cũng là một cơ hội để các làng nghề trên địa bàn tỉnh có thể vực dậy nghề từng làm “thay da đổi thịt” không ít vùng quê. (Còn nữa)

Ngọc Thái - Đặng Duyên

Các tin khác