Kinh tế xã hội

Bất cập bảo hiểm công trình xây dựng

13:50, 11/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo quy định của ngành xây dựng, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình xây dựng khi tiến hành xây dựng các công trình, dự án. Tuy nhiên, thực tế từ trước đến nay, quy định này đang bị phớt lờ, dẫn đến khi có sự cố xảy ra đối với công trình và cả người lao động, đã không được đền bù thỏa đáng.
 
Tầm quan trọng của bảo hiểm công trình
 
Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng quy định, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình xây dựng. Nhà thầu bắt buộc phải mua các loại bảo hiểm cần thiết như bảo hiểm thiết bị, bảo hiểm đối với bên thứ ba để đảm bảo các hoạt động của mình tuân thủ theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm đối với bên thứ ba là loại bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của doanh nghiệp xây dựng (nhà thầu) phát sinh do gây thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe của người thứ ba liên đới.
Một công trình trên địa bàn TX Cửa Lò tan hoang do thiên tai nhưng bị từ chối bảo hiểm
Một công trình trên địa bàn TX Cửa Lò tan hoang do thiên tai nhưng bị từ chối bảo hiểm
 
Đơn cử như Dự án cải tạo, nâng cấp kênh Bắc (TP Vinh) trong quá trình thi công đã làm nhiều nhà dân ở hai bên kênh bị nứt, lún. Những hộ dân này thuộc thành phần thứ 3 liên đới trong bảo hiểm xây dựng. Quá trình thi công, chủ đầu tư là Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh và hai đơn vị thi công là Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty TNHH Tân Hưng đã mua bảo hiểm công trình. Ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An cho biết: “Công ty đã thuê đơn vị giám định độc lập, sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ chi tiền bồi thường theo quy định của pháp luật”.
 
Việc mua bảo hiểm công trình quan trọng là vậy, song trên thực tế, từ trước đến nay, trên địa bàn Nghệ An, việc các chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình xây dựng là rất ít. Bởi để thực hiện được một hợp đồng bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm phải thực hiện các bước như đánh giá rủi ro, chào phí bảo hiểm cho chủ đầu tư, thương lượng về phí bảo hiểm hay thời hạn thanh toán phí bảo hiểm và phải thương lượng về các điều khoản bảo hiểm mở rộng khác theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
 
Thậm chí, hợp đồng đã được ký kết, nhưng khi thiệt hại xảy ra, phía đơn vị bảo hiểm đã từ chối bồi thường vì chủ đầu tư không tuân thủ các điều khoản nêu trong hợp đồng. Trên thực tế, điều này đã xảy ra rất nhiều tại các công trình có nguồn vốn đầu tư công và lẽ dĩ nhiên, một khi công trình bị từ chối bồi thường bảo hiểm thì thiệt hại lại do Nhà nước gánh chịu.  
 
Ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp (địa chỉ tại phường Cửa Nam, TP Vinh), một trong những đơn vị có nhiều công trình xây dựng tầm cỡ trên khắp cả nước cho biết, việc các dự án tham gia bảo hiểm sẽ đảm bảo về mặt kỹ thuật cũng như an toàn vệ sinh lao động trong suốt quá trình xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc, cùng với công tác giám sát công trình, thanh tra xây dựng thì bên bảo hiểm cũng đưa ra các điều khoản ràng buộc nhằm kiểm soát rủi ro, nên có thể coi là một trong những hình thức quản lý chéo để quá trình thi công công trình được đảm bảo hơn so với việc không mua bảo hiểm. 
 
Chủ đầu tư lẫn nhà thầu còn thờ ơ
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hàng loạt công trình xây dựng trên địa bàn trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều phớt lờ việc mua bảo hiểm. Đại diện Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Đa số các chủ đầu tư dự án đã yêu cầu đơn vị thi công, nhà thầu mua đầy đủ các loại bảo hiểm theo đúng luật định.
 
Tuy nhiên, còn khá nhiều chủ đầu tư vẫn chưa chú trọng thực hiện tốt việc này, bất luận việc mua bảo hiểm công trình đã được Luật Xây dựng 2015 đưa vào danh mục quy định bắt buộc, thay vì khuyến khích như trước đây. Quá trình kiểm tra một số dự án trên địa bàn TP Vinh, Đội Quy tắc đô thị thành phố cũng cho biết, có một số dự án, chủ đầu tư lẫn nhà thầu thậm chí còn không nắm được các quy định về việc mua bảo hiểm theo Luật Xây dựng và những vi phạm được phát hiện chủ yếu là không mua bảo hiểm thiết bị công trình. 
 
Một số công trình, dự án được mua bảo hiểm và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng nhưng khi xảy ra rủi ro thì lại bị từ chối bồi thường bởi các nguyên nhân khách quan, vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Bảo hiểm. Có thể kể ra một số công trình như kè ven sông Lam đoạn qua huyện Anh Sơn, một số dự án nâng cấp, cải tạo hồ, đập tại địa bàn các huyện Yên Thành, Tân Kỳ…
 
Trong đó, có những lý do “lãng xẹt” được đưa ra để từ chối bồi thường bảo hiểm khi có sự cố không mong muốn xảy ra, lúc đó chủ đầu tư mới “ngã ngửa”, ấy là do không chuyển đủ phí bảo hiểm theo quy định. Để khắc phục sự cố, địa phương phải bỏ ngân sách, trong khi phí bảo hiểm cũng không được hoàn trả. Bất cập hơn nữa là thông thường, với các dự án có xảy ra tổn thất do thiên tai, địa phương sẽ làm tờ trình gửi hội đồng xem xét cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng tỉnh để xin hỗ trợ, nhưng đối với công trình, dự án chưa hoàn thành và thuộc phạm vi bảo hiểm thì không được xét hỗ trợ. 
 
Việc mua bảo hiểm công trình xây dựng đã được quy định trong Luật Xây dựng khi triển khai các công trình, dự án, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước. Như vậy, để khắc phục tình trạng nêu trên, thiết nghĩ, các ban, ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư lẫn nhà thầu phải thực hiện nghiêm túc các điều khoản, để vừa đảm bảo công trình bền vững, an toàn, vừa giảm thiểu thiệt hại ngân sách khi có sự cố xảy ra.

Thiện Thành

Các tin khác