Kinh tế xã hội

Để người nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của mình

10:06, 09/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nếu chúng ta cứ để nền nông nghiệp phát triển như hiện nay, để cho nông dân như thế này thì không thể nào có nền nông nghiệp CNH-HĐH và phù hợp với kinh tế thị trường… Phải để cho người nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của mình.
 
Khẳng định sự cần thiết phải có đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói trên Báo điện tử Đại biểu nhân dân: Thực tế, nếu chúng ta cứ để nền nông nghiệp phát triển như hiện nay, để cho nông dân như thế này thì không thể nào có nền nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phù hợp với kinh tế thị trường.
Với cảm nhận, các chính sách, chiến lược của chúng ta đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn dường như mới giải quyết cho câu chuyện trước mắt mà chưa dành nhiều cho chiến lược lâu dài, ông Hiển nêu quan điểm: Vấn đề đặt ra hiện nay là phải biến nông dân Việt Nam trở thành nông dân sản xuất hàng hóa, đi theo kinh tế thị trường, chứ không thể mãi là nông dân tự cung, tự cấp như ở một số vùng hiện nay.
 
Chúng ta có nên tiếp tục bao cấp như bây giờ không. Nông dân có nên cứ tiếp tục sản xuất ra những mặt hàng mà chẳng biết bán cho ai không? Ông Hiển đặt câu hỏi và tự trả lời: “Tôi nghĩ là không thể được... Chúng ta không thể nào cứ mãi loay hoay câu chuyện được mùa mất giá, năm nào nông sản cũng ùn ứ ở cửa khẩu”.
 
Dẫn lại câu nói của Engels “phải để cho nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của mình”, ông Hiển khẳng định: Nhà nước không thể nghĩ hộ, bao cấp, bao bọc... Sản xuất-cung ứng-thị trường phải có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, thực hiện thông qua cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ đóng vai trò là “bà đỡ”, tạo môi trường thông thoáng.
 
Và để thực hiện tốt vai trò này, ông Hiển đề xuất: Trong điều kiện hiện nay của nước ta thì Nhà nước trước hết phải tạo được môi trường pháp lý tốt, chính sách ổn định, giảm và tiến tới chấm dứt hỗ trợ theo kiểu bao cấp. Thứ hai, phải hết sức chú ý cung cấp thông tin có tính chất thông báo, dự báo về thị trường cho người dân và tăng cường công tác quy hoạch. Thứ ba, phải tổ chức lại mô hình liên kết 4 nhà, trong đó khẳng định doanh nghiệp là trung tâm, là người mở ra thị trường, đưa phương tiện, khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân, xây dựng quan hệ với các nhà khoa học thông qua thị trường khoa học công nghệ…
 
Đối với doanh nghiệp, ông Hiển cho biết: Các chính sách ban hành thời gian qua đã và đang theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm. Rõ nhất thể hiện ở chính sách thuế. Theo đó, những doanh nghiệp nào đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đều có cơ chế ưu đãi, khuyến khích, hay tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi trong trường hợp vay mua sản phẩm cho nông dân.
 
Với quan điểm, “đích đến phải là có nền nông nghiệp theo cơ chế thị trường”, ông Hiển dẫn ví dụ, “hiện nay về số lượng nông sản, chúng ta đã bảo đảm khá tốt, đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, tiêu, điều, cà phê…nhưng vấn đề là giá trị kinh tế, giá trị gia tăng từ xuất khẩu các hàng hóa ấy mang lại là bao nhiêu? Bởi nếu sản xuất nhiều mà bán được ít hoặc không bán được và hiệu quả, giá trị kinh tế thấp thì có lẽ cũng không bằng họ sản xuất ít mà hiệu quả kinh tế cao.
 
Bên cạnh đó, còn phải giải quyết vần đề thu nhập của người nông dân, bảo đảm để nông dân có lãi. Theo ông Hiển, thực tế, nông dân Việt Nam hiện chủ yếu là lấy công làm lãi, chứ lợi nhuận chưa được nhiều. Chính vì vậy “phải giúp đỡ để nông nghiệp thật sự thay đổi. Sự thay đổi trong nông nghiệp sẽ tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác. Vì xét cho cùng sự chuyển đổi của nền kinh tế từ một nước nông nghiệp sang nước công nghiệp phải thay đổi từ nông nghiệp. Lao động trong nông nghiệp không thể mãi như cũ, tỷ lệ cần giảm, tích tụ ruộng đất phải tăng lên, cần phải mạnh dạn cho tích tụ ruộng đất”.
 
Phân tích thêm về quan điểm này, ông Hiển cho rằng, nếu nông dân không đủ ruộng đất thì “có làm bao nhiêu chăng nữa cũng chỉ thua lỗ” và sẽ xảy ra tình trạng nhiều hộ nông dân bỏ ruộng vì diện tích đất quá ít, không đủ canh tác. Do đó, phải có tích tụ ruộng đất, lúc đó mới cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Khi đó, một bộ phận lớn nông dân dư thừa sẽ chuyển từ đồng ruộng vào nhà máy…
 
Tiếp đó phải chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt cần tập trung vào thủy lợi, điện, đường, trường, trạm. Đồng thời cần củng cố quan hệ sản xuất cho phù hợp với lực lượng sản xuất ở nông thôn, không chỉ dừng ở các hộ sản xuất nhỏ mà phải chuyển sang hộ sản xuất quy mô lớn, kinh tế trang trại trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận công nghiệp phải quay trở lại phục vụ cho nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản và nông nghiệp phải gắn chặt với công nghiệp. “Chỉ có như vậy, khi nông nghiệp hội nhập quốc tế mới tận dụng được cơ hội, hạn chế được khó khăn, thách thức và trước hết là không để nông nghiệp bị thua ngay trên sân nhà”, ông Hiển khẳng định.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác