(Congannghean.vn)-Chủ trương đóng mới tàu vỏ thép để ngư dân vươn khơi, bám biển dài ngày đang được các cấp, ngành quan tâm, khuyến khích triển khai. Thời gian qua, ở một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Nghệ An đã hạ thủy tàu vỏ thép thành công, đánh dấu tín hiệu khởi sắc của nghề khai thác, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ.
Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân sẽ được ưu tiên vay vốn ngân hàng nếu đóng mới tàu vỏ gỗ, vỏ thép có công suất từ 400 CV trở lên.
Cụ thể, tàu vỏ thép đóng mới sẽ được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu phải trả lãi suất 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ sẽ được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng tàu, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu phải trả lãi suất 3%/năm và ngân sách Nhà nước cấp bù 3%/năm.
Như vậy, có thể thấy, theo Nghị định 67, nếu ngư dân đóng mới tàu vỏ thép thì sẽ được ưu đãi về lãi suất vay hơn đối với đóng tàu vỏ gỗ. Bên cạnh đó, để hướng tới sự bền vững về phương tiện cho ngư dân tham gia đánh bắt thuỷ, hải sản xa bờ, các cơ quan chức năng cho rằng, tàu vỏ thép có kết cấu bền vững hơn và hiện đại hơn gấp nhiều lần so với tàu vỏ gỗ.
Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Quốc Trọng ở xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc sau chuyến ra khơi trở về |
Vấn đề này cũng được đưa ra đánh giá tại các hội thảo khoa học tổ chức ở các cấp, ngành và cùng có chung quan điểm khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép. Cùng với đó, một số mẫu thiết kế của các đơn vị tham gia đóng tàu trên cả nước đã được trưng bày công khai, rộng rãi để ngư dân tham gia đóng góp ý kiến.
Trong thời gian qua, mặc dù Nghị định 67 chưa được triển khai đồng bộ nhưng nhiều doanh nghiệp đóng tàu có thương hiệu đã “đi tắt, đón đầu”, bằng việc triển khai hạ thủy một số tàu vỏ thép cho ngư dân ở các tỉnh trên khắp cả nước.
Tại Nghệ An, vào ngày 2/3/2015, tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn đã được Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) bàn giao cho ngư dân Nguyễn Quốc Trọng trú tại xóm Tân Lập, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Đây là chiếc tàu chụp mực có kết cấu vỏ thép, nặng 130 tấn, chiều dài 26 m, rộng 6,8 m, chiều cao mạn 3,4 m, chìm 2,35 m và có 8 khoang đông lạnh để chứa cá, nước ngọt, nhiên liệu...
Ngày 19/5/2015, sau hơn 2 tháng tàu vỏ thép VO18 của ngư dân đầu tiên ở Nghệ An được hạ thủy, tham gia đánh bắt thủy, hải sản ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với chủ nhân chiếc tàu này.
Theo thông tin ghi nhận được, so với tàu vỏ gỗ thì tàu vỏ thép anh Trọng đang sử dụng có công suất đánh bắt cao hơn gấp nhiều lần.
“Sau khi hạ thủy vào đầu tháng 3 đến nay, tàu vỏ thép của chúng tôi đã thực hiện được 3 chuyến đi biển. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài khoảng 2 tuần, với từ 10 - 12 người tham gia; trừ chi phí bỏ ra, chúng tôi thu về từ 30 - 40 triệu đồng/chuyến. Tuy chi phí đóng tàu vỏ thép nhiều gần gấp đôi tàu vỏ gỗ nhưng ưu điểm của nó lại vượt trội về mọi mặt. Thời gian tới, nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ tiếp tục ký hợp đồng, đóng mới thêm một chiếc tàu vỏ thép lưới rê có công suất 850 CV để đánh bắt dài ngày ở những ngư trường lớn”, anh Trọng cho biết.
Như vậy, việc hạ thủy một số tàu vỏ thép trong thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh trong cả nước đã thu về những tín hiệu khả quan để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Ban chỉ đạo Nghị định 67 cần bám sát hơn nữa tâm tư, nguyện vọng của ngư dân để tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, cũng như quan tâm tới mẫu mã, thiết kế tàu cho phù hợp với tình hình đánh bắt thủy, hải sản trên biển hiện nay.
Mặt khác, cần chú trọng tới công tác giám sát về năng lực đánh bắt thủy, hải sản của những “đội tàu 67” sẽ được hạ thủy trong thời gian tới, nhằm đánh giá, rút ra bài học để phổ biến rộng rãi trong ngư dân ở các địa phương về lợi ích của việc đầu tư, đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển dài ngày.