Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/ky-tich-thung-may-611321/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/ky-tich-thung-may-611321/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kỳ tích thung Mây - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 28/05/2015, 08:06 [GMT+7]

Kỳ tích thung Mây

TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng người cựu chiến binh Nguyễn Thế Viên ở xóm Ngọc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành vẫn kiên trì chinh phục Thung Mây vốn nổi tiếng là nơi “ma thiêng nước độc”, bắt núi đá, dòng suối “đẻ ra vàng”. Không những thế, ông còn là người kết nối những chiến sỹ Điện Biên năm xưa để động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
 
Chinh phục Thung Mây
 
Men theo cánh rừng nguyên liệu tây bắc huyện Yên Thành, chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Thế Viên ở dưới chân núi Ngọc Thành. Căn nhà của ông nhỏ nhắn, đơn sơ nằm dưới những tán lá sum suê, luôn líu lo tiếng chim hót. Một không gian thật đẹp và yên bình. 
Ông Nguyễn Thế Viên                                      trao đổi về tập sách “Âm vang Điện Biên”
Ông Nguyễn Thế Viên trao đổi về tập sách “Âm vang Điện Biên”
Ông Viên năm nay đã ngoài 80 tuổi, có dáng người tầm thước, da dẻ hồng hào, râu tóc bạc phơ, đẹp như một tiên ông đang bơi thuyền thả lưới trước ao nhà. Ông cười sảng khoái: “Cá dưới ao của tôi nhiều con lớn lắm, không cẩn thận nó làm lật thuyền như chơi”. Quả vậy, chỉ một lát sau, ông đã phải vật lộn rất lâu, suýt bị lật thuyền mới lôi được chú trắm đen hơn 10 kg lên bờ. Trưa hôm đó, chúng tôi trải chiếu bên suối Mây, thưởng thức rượu ngâm rễ cây đinh lăng nhắm với món cá trắm đen thật tuyệt. Ông Viên bảo: “Ao bây giờ thả cá ngon lành, chứ trước đây nó là con suối hoang nổi tiếng lắm ma đó”.
 
Ông kể rằng, ông là nhà báo chiến trường, đã đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là thương binh hạng nặng. Hết chiến tranh, ông tiếp tục làm việc tại báo Quân đội đến năm 1986 thì nghỉ hưu. Trở về quê hương, với khoản lương hưu, ông có thể sống an nhàn, nhưng ông không “hài lòng” với điều đó. Thấy vùng rừng Thung Mây ở gần nhà có thể cải tạo để làm kinh tế trang trại, ông đã làm đơn xin xã thầu vùng rừng đó.
 
Làng xóm ai cũng bảo ông “hâm”, nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai, lên vùng rừng khảo sát rồi cùng vợ chồng người em và một số anh em họ hàng bắt đầu cuộc trường kỳ chinh phục thung Mây. Ông Hùng, một trong những người làm cùng ông Viên ngày đó kể: “Ông Viên nhờ tôi lên đắp đập ngăn suối Mây. Lần đó, mới lên, nhìn hai bên bờ suối toàn hang với hốc, gai góc rậm rạp, đá hòn đá tảng ken dày mà ngán lên tận cổ. Chúng tôi cùng với ông Viên phải mất hơn ba tháng trời mới làm được con đường đi vào suối. Khoảng gần 5 tháng sau thì con suối đã thành mấy cái ao thả cá ngon lành”.
 
 Khi chinh phục xong suối Mây, ông Viên dựng lều xử lý ao và bắt đầu thả cá. Vụ đầu tiên, ông thả 2 tạ cá giống. Ngày nào cũng vậy, ông đi nhặt phân, cắt cỏ về để nuôi cá. Đêm về, một mình giữa chốn hoang vu nhưng chỉ cần nghe cá quẫy, lòng ông lại rộn ràng, vui sướng. Nhưng rồi khi đàn cá sắp đến kỳ thu hoạch thì lũ về làm vỡ đập, cá tràn đi hết. Ông đứng ở bờ ao, nhìn mặt nước mênh mông mà trào nước mắt. Nhưng với bản lĩnh của một người lính, ông không nản chí mà tiếp tục nghiên cứu, đào một con suối nhỏ thoát nước và kè đập cao lên. Vậy là những vụ cá tiếp theo, ông trúng lớn, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhận thấy chỉ thả cá thì cho thu nhập chưa đáng kể, ông đã xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi hàng nghìn con gia súc, gia cầm; thầu thêm 1 ha đất rừng để trồng cây nguyên liệu giấy; làm 1 mẫu ruộng để trồng cây giống.
 
Để trồng được cây giống, ông đã theo học các lớp khuyến nông do huyện mở và mời cả kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn. Hiện nay, trang trại của ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và tạo việc làm cho 6 nhân công với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Ông Nguyễn Duy Phúc, Chủ tịch UBND xã Hùng Thành cho biết: “Ông Viên không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn động viên, khuyến khích mọi người cùng tham gia làm kinh tế trang trại, đồng thời, cung cấp, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho họ. Ông cũng là người đầu tiên làm thực nghiệm hiệu quả và phổ biến cho bà con nông dân về kỹ thuật ươm giống tràm, bắp cải, dưa hấu, cây thuốc nam, bí xanh. Bên cạnh phát triển kinh tế trang trại, ông còn tham gia công tác xã hội như làm Chủ nhiệm CLB thơ của xã, Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi, Ban chấp hành Hội Cựu Chiến binh xã. Tuy tuổi đã cao nhưng trong công việc, ông luôn lao động hết sức, mang lại hiệu quả cao. Không những thế, ông Viên còn là người thường xuyên làm từ thiện và giúp đỡ mọi người. Vì vậy, người dân nơi đây ai cũng yêu quý và kính trọng ông”.
 
Kết nối nghĩa tình đồng đội
 
Tuy làm kinh tế bận rộn nhưng ông Viên vẫn dành thời gian đi sưu tầm tư liệu để viết nên tập sách “Âm vang Điện Biên”. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông đã rong ruổi, đi khắp 39 xã, thị trấn của huyện Yên Thành, tìm đến nhà những chiến sỹ Điện Biên năm xưa để sưu tầm tư liệu, đồng thời kết nối họ lại để động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Thế Viên trước ngôi nhà tình nghĩa do Hội CCB Nghệ An xây tặng mà sắp tới, ông sẽ trao tặng để làm thư viện của xóm
Ông Nguyễn Thế Viên trước ngôi nhà tình nghĩa do Hội CCB Nghệ An xây tặng mà sắp tới, ông sẽ trao tặng để làm thư viện của xóm
Được chính quyền huyện Yên Thành, Hội CCB huyện, chùa Gám và một số doanh nghiệp trên địa bàn động viên, khích lệ và hỗ trợ kinh phí, năm 2011, cuốn sách mang tựa đề “Âm vang Điện Biên” dày gần 300 trang do ông biên soạn đã được NXB Nghệ An phát hành. Điểm nổi bật của “Âm vang Điện Biên” là các cựu chiến binh đã gắn khí thế oai hùng của Điện Biên năm xưa với cuộc sống đời thường hôm nay. Đó là những người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới - làm kinh tế. Toàn bộ sách xuất bản đều được đem tặng cho những cựu chiến binh Điện Biên, các trường học, các phòng, ban của huyện Yên Thành. Cuốn sách ra đời đã gây được tiếng vang lớn, khiến những người cựu chiến binh, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành rất phấn khởi và có phần tự hào. Đặc biệt, Hội Cựu chiến binh ở nhiều huyện khác đã tìm về Yên Thành để học hỏi cách viết, xuất bản sách.
 
Ông Hùng Vạn, một cựu chiến binh xúc động cho biết: “Chiến tranh đã đi qua, nhưng hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn in sâu trong ký ức những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Cuốn sách do ông Viên biên soạn và cho ra đời đã khiến chúng tôi rất phấn khởi và tự hào. Mỗi lần cầm cuốn sách trên tay, những người lính già chúng tôi lại rưng rưng niềm xúc động. Cuốn sách cũng là tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ, qua đó nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.
 
Giờ đây, hơn 80 tuổi, tóc đã bạc, da mồi nhưng ông Viên vẫn hăng say làm kinh tế trang trại, viết báo, làm thơ, sống cuộc đời giản dị trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé mà ông cha để lại. Vừa qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An về thăm, đã đề xuất về việc giúp đỡ, xây cho ông ngôi nhà tình nghĩa. Ông tâm sự: “Tôi rất cảm ơn Hội CCB tỉnh Nghệ An về ngôi nhà. Nhưng đầu tháng 6/2015, tôi sẽ tặng cho xóm ngôi nhà tình nghĩa này để làm thư viện. Hiện tại, tôi đang tiếp tục đi mua cũng như sưu tầm sách để phục vụ việc đọc sách của con em xóm Ngọc Thành nói riêng và xã Hùng Thành nói chung, nhằm giúp các cháu dần hình thành, phát triển văn hoá đọc”.
 
Ông Mai Huy Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thành cảm kích cho biết: “Với ông Viên, còn chút sức lực nào thì ông còn tiếp tục giúp đỡ mọi người và cống hiến cho sự phát triển của quê hương. Ông là một con người mẫu mực, luôn sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tôi tin, ông sẽ sống đẹp đến hơi thở cuối cùng”.
.

Tiến Dũng

.