Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/giao-dat-lam-nghiep-cho-dan-san-xuat-tao-dong-luc-de-nguoi-dan-thoat-ngheo-609428/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201505/giao-dat-lam-nghiep-cho-dan-san-xuat-tao-dong-luc-de-nguoi-dan-thoat-ngheo-609428/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tạo động lực để người dân thoát nghèo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 20/05/2015, 09:02 [GMT+7]
Giao đất lâm nghiệp cho dân sản xuất

Tạo động lực để người dân thoát nghèo

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của Nhà nước, các cấp, ngành tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai công tác rà soát, bàn giao đất lâm nghiệp cho người dân để họ có thêm tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, việc bàn giao này còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết. 
 
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, thực trạng một số diện tích đất lâm nghiệp được giao cho các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ… trên địa bàn tỉnh đang phát huy kém hiệu quả. Thậm chí, nhiều diện tích bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Thế nhưng, lại tồn tại một nghịch cảnh đối lập là người dân vẫn không có đất sản xuất, điệp khúc “nghèo vẫn hoàn nghèo” đang khiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn. 
Người dân ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu chăm sóc vườn cây keo sau khi được Nhà nước giao đất lâm nghiệp
Người dân ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu chăm sóc vườn cây keo sau khi được Nhà nước giao đất lâm nghiệp
Thực tế, trong những năm vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến mâu thuẫn tranh chấp đất rừng sản xuất giữa người dân với lâm trường trên địa bàn một số huyện như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Thanh Chương… Điều này không chỉ gây xáo trộn tình hình sản xuất của các bên liên quan mà còn ảnh hưởng tới ANTT. Đơn cử là vụ việc người dân ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu kéo hàng trăm người vào phần diện tích đất của Lâm trường Cô Ba (Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu) quản lý để chặt phá cây cối rồi khoanh vùng chiếm dụng để sản xuất từ ngày 8 - 14/6/2013. 
 
Chỉ trong một tuần, người dân đã chặt phá trên 56 ha cây rừng (chủ yếu là nứa và cây gỗ tạp) để lấy đất sản xuất, gây phức tạp về ANTT trên địa bàn. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, sự việc mới được giải quyết. Sau vụ việc xảy ra tại Lâm trường Cô Ba, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành rà soát lại tất cả diện tích đất rừng thuộc quyền quản lý của các lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ… để đánh giá thực trạng sử dụng. Tiếp đó, thực hiện chủ trương của cấp trên, tỉnh Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra để thực hiện việc thu hồi đất của các đơn vị sử dụng kém hiệu quả nói trên và giao lại cho người dân sản xuất. 
 
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã thu hồi gần 13 nghìn ha đất rừng chuyển cho các huyện quản lý rồi giao cho nhân dân sản xuất. Theo đó, các huyện có diện tích đất đã bàn giao cho người dân gồm: Quỳ Hợp (5.319,6 ha), Tương Dương (249.076,81 ha), Quỳ Châu (2.342,1 ha), Thanh Chương (2.297,6 ha), Quế Phong (1.405,1 ha) và Nghĩa Đàn (1.116,3 ha)… Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cũng được các ban, ngành quan tâm, chỉ đạo đồng bộ.
 
Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đã được triển khai ở các huyện. Các huyện đã tiến hành bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, như Quỳ Châu đã bàn giao 1.150,7 ha; Quỳ Hợp 3.762,57 ha; Quế Phong 142,6 ha; Thanh Chương 860,2 ha. Riêng huyện Nghĩa Đàn cơ bản đã bàn giao xong cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. 
 
Ông Sầm Văn Chung, người dân xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cho biết: “Gia đình chúng tôi có 6 nhân khẩu nhưng cũng chỉ có vài sào lúa nước canh tác. Được mùa thì may ra đủ ăn nhưng khi thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài thì thiếu đói, phải đi vay mượn để mua gạo ăn qua bữa. Con cái lớn lên đều phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê trong miền Nam từ nhiều năm nay. Trước đây, vợ chồng tôi cũng phải đi làm thuê cho chủ rừng là người của lâm trường ở đây theo mùa vụ. Nhưng từ khi chính quyền rà soát, giao gần 4 ha đất rừng để sản xuất, chúng tôi đã cải tạo để trồng sắn, trồng ngô, cũng đủ ăn và có thu nhập để trang trải cuộc sống”. 
 
Ông Đặng Xuân Minh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, thực hiện chủ trương của tỉnh và các cấp, ngành, công tác rà soát, bàn giao đất lâm nghiệp ở một số nông, lâm trường trên địa bàn đã được triển khai ở các địa phương. Một số lâm trường có diện tích đất rừng sản xuất không hiệu quả đã tiến hành bàn giao cho người dân quản lý, canh tác. Nhìn chung, quá trình lựa chọn, bàn giao đất rừng thuộc quyền quản lý của các lâm, nông trường… trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được triển khai đồng bộ, giúp người dân có đất sản xuất, canh tác. Tuy nhiên, với số lượng lớn diện tích đất rừng được bàn giao cho người dân ở một số địa phương đã nêu ở trên, công tác quản lý, giám sát cần phải được thắt chặt hơn nữa từ cấp cơ sở trở lên, tránh tình trạng giao cho dân sau đó lại bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. 
 
Ngoài ra, việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau khi đã được bàn giao hiện nay vẫn còn chậm, do vướng phải nhiều thủ tục liên quan như: Việc trích lục bản đồ đo đất trước kia và nay chênh lệch; người dân khiếu nại về việc diện tích đất được giao giữa các tiểu khu với nhau… Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá việc phát huy hiệu quả kinh tế của phần diện tích đất sau khi đã bàn giao cho người dân cũng cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ để tránh tình trạng giao nhầm đối tượng.
.

Ngọc Thái

.