(Congannghean.vn)-Tính đến năm 2014, cả nước có 10.446 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên, hiện chỉ có 10% số HTX hoạt động hiệu quả, có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp.
Đó là ý kiến chung của các đại biểu tham dự Hội nghị về đối thoại HTX nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây tại Hà Nội. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên mọi phương diện, trong khi hoạt động bao tiêu sản phẩm của các nông dân, xã viên còn kém hiệu quả.
Mặc dù đã có Luật HTX năm 2012 và Nghị định 193 của Chính phủ năm 2013, nhưng trong 2 năm qua, số lượng HTX tăng không nhiều. Bình quân mỗi năm có 800 HTX được thành lập mới, trong khi khoảng 550 HTX lại hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động.
Tại Nghệ An, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 500 HTX. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40 HTX loại giỏi, 150 HTX loại khá, còn lại là trung bình và yếu. Trong khi đó, trình độ của những người tham gia quản lý HTX vẫn còn hạn chế. Trong số 1.800 người, chỉ có 240 người có trình độ đại học, cao đẳng. Hiện nay, đại đa số các HTX còn hoạt động cầm chừng, nhằm duy trì phục vụ xã viên.
Người nông dân cần liên kết chặt chẽ với HTX trong lao động, sản xuất |
Theo Quyết định 491/QĐ-TTg, để đạt tiêu chí nông thôn mới, địa phương đó phải có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động hiệu quả. Hiện, Nghệ An đã có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa với việc 33 HTX trên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các xã viên. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Hợp tác hộ, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An: Hầu hết các HTX ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đã cung ứng ít nhất một dịch vụ cho bà con xã viên như phân bón, lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, hoạt động bao tiêu sản phẩm đang gặp nhiều hạn chế, chỉ có một số HTX cung ứng giống và thực hiện bao tiêu tốt.
Trong chuỗi liên kết, HTX phải đứng ra đại diện cho thành viên HTX thực hiện các dịch vụ đầu vào như: Làm đất, tưới tiêu, cung ứng vật tư nông nghiệp, vốn… Nhưng quan trọng hơn, HTX phải “đứng mũi chịu sào”, đại diện cho thành viên ký các hợp đồng sản xuất bao tiêu với doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các HTX đều chưa làm được hoặc làm chưa hiệu quả ở điểm này.
Bởi đa phần các HTX nông nghiệp chỉ thực hiện ở một số sản phẩm dịch vụ vào những thời điểm nhất định, phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và khả năng liên kết. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào HTX trực tiếp ký hợp đồng với các doanh nghiệp để làm các dịch vụ cung ứng, chế biến, tiêu thụ nông sản và thực hiện trọn gói hoạt động đầu vào - đầu ra thì mới mang lại nhiều lợi ích cho thành viên HTX và nông dân. Cũng theo ông Phương, hoạt động của bà con xã viên cũng là nguyên nhân khiến việc bao tiêu còn gặp nhiều hạn chế.
Xã viên thường có thói quen sản xuất manh mún, sản phẩm chủ yếu để phục vụ nhu cầu gia đình, nếu có dôi dư thì mới bán. Đến lúc đó, sẽ không có doanh nghiệp nào đồng ý mua hàng hóa vì không theo hạch toán ban đầu. Điều này dẫn đến tình trạng ép giá mỗi khi được mùa và tranh giành nhau sản phẩm khi năng suất kém. Việc ùn ứ hàng loạt nông sản trong thời gian qua như dưa hấu, cà chua… cho thấy, nông dân, xã viên vẫn chưa chủ động thích nghi với sự biến động của thị trường nông sản trong nước và khu vực.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn tạo thành chuỗi liên kết khép kín thì yếu tố quyết định nhất đó là nguồn nhân lực quản lý HTX phải được đào tạo theo tiêu chuẩn; phải chủ động trong tiếp cận và huy động vốn; tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế khác để tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản… Bên cạnh đó, cần nắm bắt xu thế chung của người tiêu dùng là ưa chuộng các nông phẩm sinh thái, các nông sản “sạch” để định hướng, tư vấn hỗ trợ các thành viên của mình trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến theo đúng tiêu chuẩn, quy định. Nếu không thực hiện được điều này, HTX vẫn sẽ tiếp tục hoạt động dàn trải và chưa tạo thành “cú hích” thật sự với bà con xã viên.
Hiện nay, tại Nghệ An có rất nhiều siêu thị có quy mô, mỗi ngày tiêu thụ một lượng hàng hóa lớn, nhưng lại đang thiếu vắng nguồn nông sản địa phương. Xây dựng và quảng bá thương hiệu, đưa nông sản địa phương chiếm lĩnh thị trường nội địa vẫn đang là mơ ước xa vời. Tiêu biểu như mặt hàng muối, tỉnh ta có diện tích sản xuất hơn 700 ha với sản lượng gần 80.000 tấn/năm, nhưng hiện tại các siêu thị, từ sản phẩm muối tinh đến muối thô đều do Công ty Cổ phần VISACO (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá) cung cấp.
Trong gần 500 HTX trên địa bàn tỉnh, may ra chỉ có HTX xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu là thực hiện có hiệu quả mục tiêu này. Nhờ dồn điền đổi thửa, tăng diện tích trồng rau, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nên bất cứ mùa nào trong năm, Quỳnh Lương cũng có những cánh đồng rau xanh tốt. Đến nay, sản phẩm rau màu đảm bảo chất lượng, đủ chủng loại đã phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vào vụ chính (vụ thu đông), bình quân có khoảng 30 - 45 tấn rau/ngày (20 - 30 tấn/ngày đối với vụ xuân hè) được tiêu thụ.
Bên cạnh đó, nhờ chú trọng chất lượng, mẫu mã, đảm bảo các quy chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… , rau Quỳnh Lương đã chính thức có “chỗ đứng” tại các siêu thị lớn, đảm bảo khâu bao tiêu cho nông sản. Tháng 7/2010, HTX Phú Lương - HTX trồng rau an toàn đầu tiên ở Quỳnh Lương và cũng là HTX đầu tiên của tỉnh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã được thành lập. Người dân được hướng dẫn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, nhờ đó, năng suất, chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như việc tiêu thụ sản phẩm được đảm bảo...
Kinh nghiệm đã chứng minh rằng: Mua bán sỉ tốt hơn mua bán lẻ, liên kết sẽ mạnh mẽ hơn đơn độc. Nếu người nông dân sản xuất và tiêu thụ manh mún thì sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong vấn đề cạnh tranh. Vì thế, sự tồn tại của các HTX là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện để người nông dân liên kết và hợp tác với nhau. Năm nay, Nghệ An phấn đấu có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hy vọng rằng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành, con số trên sẽ là động lực để các HTX và địa phương đổi mới, đẩy mạnh hoạt động của các HTX, mang lại lợi ích lâu dài cho các xã viên.
.