(Congannghean.vn)-Thực hiện Dự án thí điểm của Chính phủ về đưa dịch vụ xe điện vào hoạt động quy củ tại TX Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An đã cho thí điểm 110 xe. Tuy nhiên, tính đến nay, số xe “tự phát” đã tăng thêm 332 xe, nâng tổng số xe điện trên địa bàn hiện có là 442 xe. Theo nguyên tắc, số xe này sẽ phải ngừng hoạt động, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng trăm lao động thất nghiệp khi mùa du lịch biển đang cận kề.
Dự án xe điện khiến hình ảnh Cửa Lò thêm thân thiện
Để tạo nên hình ảnh đẹp và thương hiệu về một thị xã biển ấn tượng trong mắt du khách và bạn bè quốc tế khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại TX Cửa Lò, năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 703 về việc thí điểm Dự án đầu tư xe ôtô điện phục vụ khách du lịch trên địa bàn. Theo Quyết định này, thời gian thực hiện Dự án là 3 năm và sau khi kết thúc thí điểm, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định này, ngày 7/6/2011, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 2015 về việc phê duyệt dự án thí điểm nói trên tại TX Cửa Lò.
Hàng trăm xe điện ngoài dự án thí điểm đang đứng trước việc bị cấm hoạt động ở TX Cửa Lò |
Theo Quyết định này, UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Vận tải Du lịch lữ hành và Thương mại Cửa Lò (gọi tắt là Công ty Vận tải du lịch Cửa Lò) thực hiện thí điểm dự án đầu tư xe ôtô điện phục vụ khách du lịch trên địa bàn thị xã trong thời gian 3 năm (từ 6/6/2011 - 6/6/2014) với số lượng là 110 xe.
Thực hiện việc thí điểm này, Công ty Vận tải du lịch Cửa Lò đã trang bị 110 xe ôtô điện để phục vụ nhu cầu khách du lịch. Với cơ chế 1 xe điện - 2 người làm việc, Công ty này đã giải quyết việc làm cho khoảng hơn 200 lao động trên địa bàn. Theo đánh giá của du khách, từ khi xe điện đi vào hoạt động quy củ, giá cả hợp lý, đi lại thuận tiện hơn trước, đồng thời, hình ảnh xe điện thân thiện với môi trường đã góp phần nâng tầm du lịch của địa phương.
Ngay sau năm đầu tiên thực hiện thí điểm cho thấy, mô hình xe điện hoạt động có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp khác cũng xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư và tự ý mua xe điện hoạt động trên địa bàn thị xã, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều đáng nói, các doanh nghiệp này được cấp giấy phép trong thời gian UBND tỉnh đang thực hiện dự án thí điểm theo Quyết định 703 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tại địa bàn TX Cửa Lò có 5 doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cấp giấy phép hoạt động dịch vụ xe điện và theo thống kê, đến đầu năm 2015, toàn thị xã có tổng số 442 xe điện.
Bất cập trong quản lý xe điện
Trước hiệu ứng tích cực từ việc đưa xe điện vào hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của du khách, ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 573/TTg-KTN cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trong hoạt động chở khách tại TX Cửa Lò. Để chấn chỉnh hoạt động dịch vụ xe điện, ngày 15/8/2014, UBND TX Cửa Lò đã ban hành Quyết định số 04 về việc ban hành quy chế quản lý phương tiện xe điện 4 bánh hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thị xã. Theo đó, xe điện hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện: Đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động, phải gắn biển kiểm soát xe theo đúng quy định của UBND thị xã và phải gắn logo mà UBND thị xã ban hành trước kính chắn gió. Logo này phải có dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND thị xã và Trưởng phòng Quản lý đô thị để tránh hoạt động “chui”.
Ông Phan Công Đối, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX Cửa Lò cho biết: Từ ngày số lượng xe điện tăng đột biến thì đã xảy ra tình trạng tranh giành khách, dừng, đỗ không đúng nơi quy định, ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Cửa Lò. Trước đó, để ngăn chặn tình trạng xe điện tự phát, UBND thị xã cũng đã ban hành 126 văn bản tuyên truyền không được mua xe điện hoạt động vì không nằm trong dự án thí điểm, song các doanh nghiệp viện lý do có giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư nên vẫn tiếp tục hoạt động.
Ông Phạm Hữu Trường, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lợi Trường, hiện đang sở hữu 150 xe điện nằm ngoài dự án thí điểm cho biết: Để mua được số xe trên, bản thân ông đã cùng nhiều anh em, bạn bè góp tiền để kinh doanh, xe mới có giá 170 triệu đồng và xe cũ là hơn 100 triệu đồng. Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp năm 2011, hàng năm đều thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ. Cũng theo ông này, nếu cấm thì phải cấm từ đầu, nay để cho doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỉ đồng, đang hoạt động ổn định lại ra lệnh cấm thì chẳng biết thu hồi vốn bằng cách nào.
Về vấn đề này, ông Phan Công Đối cũng thừa nhận, để xảy ra tình trạng hàng trăm xe điện tự phát như hiện tại, một phần là do công tác quản lý. “Hiện, thị xã đã giao cho các xã, phường thống kê toàn bộ số xe điện tự phát, sẽ tiến hành đối thoại với người dân để thống nhất phương án thu hồi xe điện không được phép hoạt động và hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu vẫn tiếp tục để xe điện lưu thông thì ngoài việc bị tịch thu, còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật”, ông Đối cho biết thêm.
.