Kinh tế xã hội

Xăng dầu tăng giá kỷ lục còn vì... môi trường?

09:05, 02/03/2015 (GMT+7)
Đang lúc giá dầu thô có xu hướng hồi phục, Chính phủ lại đưa ra đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu để bù đắp hụt thu ngân sách. Giá xăng dầu trong nước sẽ càng thêm cớ trỗi dậy.
 
Kể từ năm 2012 đến nay, mỗi lít xăng A92 đang phải cõng 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường. Mặt hàng dầu diezen gánh 500 đồng/lít, dầu hoả và madut chịu mức thấp hơn là 300 đồng/lít,kg cho thuế bảo vệ môi trường.
 
Biểu thuế này được ban hành theo Nghị quyết 1269 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký ngày 14/7/2011.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là mức thuế sàn. Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 quy định một khung thuế rộng hơn nhiều đối với mặt hàng xăng dầu.
 
Cụ thể, đối với xăng, mức thuế trần cho bảo vệ môi trường lên tới 4.000 đồng/lít, gấp 4 lần hiện nay. Dầu diezen có mức thuế trần là 3.000 đồng/lít, gấp 6 lần hiện nay.
 
Thuế bảo vệ môi trường tăng, giá xăng dầu sẽ tăng theo
Thuế bảo vệ môi trường tăng, giá xăng dầu sẽ tăng theo
 
Hai mặt hàng dầu hoả và madut, có sản lượng tiêu thụ ít nhất cũng chịu mức thuế trần lên tới 2.000 đồng/lít,kg, gấp 6,5 lần so với mức hiện nay.
 
Trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm triền miên suốt 5 tháng qua, Chính phủ đã đặt vấn đề cần tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu.
 
"Kế hoạch" này đã được trình bày khá rõ ở Tờ trình số 52 của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt, thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/2.
 
Tại Tờ trình này, Bộ Tư pháp cho biết, từ quý II/2014 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm rất mạnh, từ 111,81 USD/thùng xuống còn 46,01 USD/thùng, chưa có dấu hiệu dừng lại và còn diễn biến phức tạp. Diễn biến đó đã tác động làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho cân đối ngân sách nhà nước năm 2015.
 
Đồng thời, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam sẽ bắt đầu phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong đó, mức thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ là 20%, xăng máy bay là 10%; nhiên liệu bay, dầu diezel và dầu hỏa là 35%.
 
Trong khi đó, thuế suất bảo vệ môi trường hiện nay đối với xăng dầu chỉ ở mức sàn.
 
Do vậy, Bộ Tư pháp rằng, việc nâng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trên mức sàn là cần thiết, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và cam kết giảm thuế theo Hiệp định ATIGA, đồng thời, tạo sự chênh lệch hợp lý giữa xăng E5 và xăng khoáng để khuyến khích người dân sử dụng xăng, dầu sinh học.
 
Để thực hiện chính sách trên, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sửa đổi Nghị quyết số 1269 về biểu thuế bảo vệ môi trường của Quốc hội, đưa vào chương trình xây dưng luật, pháp lệnh năm 2015.
 
Hiện Bộ Tài chính chưa có con số tăng mới dự kiến cho thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu. Nhưng nếu đề xuất trên được thông qua, giá xăng dầu bán lẻ trong nước chắc chắn sẽ có cớ tăng kỷ lục.
 
Năm 2014, tăng mạnh nhiều khoản phí trong kết cấu giá thành xăng dầu.
 
Đáng chú ý nhất là mức tăng chi phí bán hàng.
 
Đối với xăng, chi phí bán hàng đã tăng từ 860 lên 1.050 đồng/lít. Dầu diezen và dầu hoả tăng từ 600 lên 950 đồng/lít. Dầu madut tăng từ 500 lên 600 đồng/kg.
 
Mức trích lập Quỹ Bình ổn giai đoạn tháng 8/2014 đến nay đã nhiều đợt tăng gấp 2,6 lần, từ 300 lên 800 đồng/lít.
 
Thuế nhập khẩu xăng dầu đã tăng từ các mức 14-18% lên mức 30-35% tuỳ loại.

 

Nguồn: vef.vn

Các tin khác