Kinh tế xã hội
Chuẩn bị tâm lý cho một đợt tăng giá xăng dầu mới?
15:49, 28/02/2015 (GMT+7)
Giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao trong vài ngày gần đây đưa tới lo ngại giá trong nước sẽ phải điều chỉnh tăng theo. Cụ thể, ngày 26/2 vừa qua, giá Platt trên thị trường Singapore đã tăng cao kỷ lục lên 73,1 USD/thùng, tăng gần 5 USD/thùng so với mức 68,42 USD ngày trước đó. Cùng với đó, khả năng tăng thuế môi trường đối với xăng dầu cũng tạo thêm sức ép tăng giá mặt hàng này, tuy chưa phải ngay lập tức.
Với mức tăng giá thế giới lên đến hơn 2.000 đồng/lít xăng vào kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 24/2 vừa qua, việc liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giữ nguyên mức giá bán và trích quỹ bình ổn để bù, cho thấy động thái thận trọng của Chính phủ.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 27/2, đại diện Bộ Công Thương cho biết sở dĩ có quyết định này, là bởi thời điểm điều chỉnh giá quá nhạy cảm, ngay sau Tết Nguyên đán, khi giá cả hàng hoá đang neo ở mức cao và cũng là thời điểm nhu cầu đi lại rất lớn.
Lo ngại quyết định tăng giá xăng dầu sẽ tạo cái cớ cho giới đầu cơ, giới kinh doanh vận tải bám vào tăng giá bất hợp lý, làm xáo trộn đời sống xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, liên Bộ đã quyết định điều hành như vừa qua.
Thực tế đã chứng minh lo ngại này không phải vô cớ. Giá xăng dầu sau nhiều đợt điều chỉnh đã giảm tới 9.950 đồng/lít, tức là gần 40% so với đỉnh điểm, nhưng hàng hoá và cước vận tải không hề giảm tương ứng.
Mặt khác, hiện số dư quỹ bình ổn xăng dầu còn khá lớn, sau thời gian giá liên tục hạ, mức trích quỹ tăng cao, nên kể cả với mức xả quỹ bình ổn lớn như hiện nay (2.448 đồng/lít đối với xăng, 1.350 đồng/lít đối với dầu diesel và 1.963 đồng/lít đối với dầu hoả, 2.105 đồng/kg đối với dầu madút), DN đầu mối vẫn có khả năng cầm cự được hơn 1 tháng.
Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu thành phẩm tiếp tục tăng, thì trong kỳ điều chỉnh giá sắp tới nhiều khả năng giá trong nước cũng phải tăng theo, nếu không quỹ sẽ không chịu nổi, đồng thời cũng gây ra những bất ổn trên thị trường, thúc đẩy buôn lậu, tâm lý găm hàng chờ giá...
Tuy mức tăng còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, xem xét các yếu tố đầu vào cho sản xuất... nên có thể sẽ kết hợp cả công cụ thuế (hiện nay thuế nhập khẩu đang ở mức cao 35% đối với xăng, dầu diesel 30%, dầu hỏa 35%, dầu madút 35%), giá và quỹ bình ổn, nhưng khả năng tăng giá là khó tránh.
Xem xét diễn biến giá xăng dầu thế giới những ngày vừa qua có thể thấy đà tăng vẫn chưa ngưng. Bình quân 15 ngày gần nhất hiện nay (từ 12/2 đến 26/2) xăng RON 92 đang ở mức 69,050 USD/thùng, dầu hoả ở mức 74,876 USD/thùng, dầu diesel ở mức 73,136 USD/thùng và dầu hoả đang ở mức 356,797 USD/tấn. Mức giá kỷ lục nhất được ghi nhận vào ngày 26/2, gần đây nhất, ở 73,1 USD/thùng, tăng gần 5 USD/thùng so với mức 68,42 USD ngày trước đó.
Nếu so sánh với chu kỳ điều chỉnh giá gần đây nhất vào ngày 24/2, mức giá bình quân của 15 ngày (từ 9 đến 23/2) đang ở 67.836 USD/thùng với RON 92, tức là sau 3 ngày, giá bình quân đã tăng 2,214 USD/thùng. Nếu đà tăng này được tiếp tục, giá trong nước sẽ khó có thể giữ mức thấp lâu hơn.
Chưa kể đến một lý do khác có khả năng sẽ tác động đến giá xăng dầu, đó chính là thuế bảo vệ môi trường đang rục rịch được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, tại Tờ trình số 52 ngày 11/2 vừa qua của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Từ quý II/2014 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm rất mạnh, từ 111,81 USD/thùng xuống còn 46,01 USD/thùng, chưa có dấu hiệu dừng lại và còn diễn biến phức tạp. Diễn biến đó đã tác động làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách Nhà nước, gây khó khăn cho cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam sẽ bắt đầu phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), càng ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách.
Để cân bằng những yếu tố này, Chính phủ đang đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu. Biểu thuế hiện hành được ban hành theo Nghị quyết 1269 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ký ngày 14/7/2011 đang ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít diesel và 300 đồng/lít đối với dầu hoả và madút. Tuy nhiên, đây chỉ là mức thuế sàn.
Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 quy định một khung thuế rộng hơn nhiều với mức thuế trần cho bảo vệ môi trường lên tới 4.000 đồng/lít, gấp 4 lần hiện nay. Dầu diesel có mức thuế trần là 3.000 đồng/lít, gấp 6 lần hiện nay; dầu hoả và madút có trần 2.000 đồng/lít,kg, gấp 6,5 lần so với mức hiện nay.
Do vậy, Bộ Tư pháp cho rằng, việc nâng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trên mức sàn là cần thiết, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và cam kết giảm thuế theo Hiệp định ATIGA, đồng thời, tạo sự chênh lệch hợp lý giữa xăng E5 và xăng khoáng để khuyến khích người dân sử dụng xăng, dầu sinh học.
Để thực hiện chính sách trên, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sửa đổi Nghị quyết số 1269 về biểu thuế bảo vệ môi trường của Quốc hội, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Tất nhiên, nếu Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành, thì vẫn có độ trễ nhất định và sẽ chưa ảnh hưởng lập tức đến giá bán. Dù vậy, động thái này cũng tăng một sức ép mới lên giá xăng dầu trong nước.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia trên thế giới cũng dự đoán giá dầu thô sẽ không thể giữ mức thấp lâu, đồng nghĩa với việc người dân cần chuẩn bị tâm lý cho những đợt tăng giá xăng dầu mới.
Nguồn: Cand.com.vn