Kinh tế xã hội

Cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập

11:31, 23/02/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Năm 2014, Chính phủ thể hiện sự thay đổi tư duy quan trọng, không lấy việc so sánh với chính mình 30 năm trước đây làm thước đo cho sự tiến bộ nữa mà lấy việc đuổi kịp và vượt trình độ của 6 nước thành viên ASEAN hay các nước phát triển hơn làm mục tiêu phấn đấu.
 
Đón Xuân Ất Mùi, nước ta bước vào một năm hội nhập quốc tế sâu rộng với những cơ hội và thách thức to lớn. Dự kiến giữa năm, nước ta sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu gồm 28 nước thành viên, có cơ cấu kinh tế bổ sung cho kinh tế nước ta.
 
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc cũng đã kết thúc đàm phán, sẵn sàng được ký kết trong thời gian tới. Các hiệp định thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazathstan và Hiệp định thương mại tự do với EFTA gồm 4 nước nhỏ nhưng giàu có là Na Uy, Thụy Sỹ, Lichtenstein và Iceland cũng sắp được hoàn tất và ký kết.
 
Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) gồm 10 nước thành viên với 600 triệu dân và GDP lên đến gần 3.000 tỷ USD sẽ có hiệu lực với 5 trụ cột chính: Một nền sản xuất và thị trường thống nhất; thuế suất hàng hóa hầu như bằng 0%; thị trường dịch vụ thống nhất và thị trường đầu tư thống nhất; dịch chuyển vốn đầu tư tự do giữa các nước thành viên; lao động có tay nghề (trước mắt hạn chế trong 8 nhóm ngành nghề) được tự do dịch chuyển trong 10 nước thành viên. AEC được hy vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên.
 
Tất cả nhưng cam kết đó đều đòi hỏi Việt Nam phải có bước phát triển vượt bậc về thể chế kinh tế thị trường.
 
Trong năm 2014, Chính phủ đã có những bước quan trọng nhằm cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thể hiện rõ qua Nghị quyết 19-CP/NQ và các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính.
 
Chính phủ cũng thể hiện sự thay đổi tư duy quan trọng, không lấy việc so sánh với chính mình 30 năm trước đây là thước đo cho sự tiến bộ nữa mà lấy việc đuổi kịp và vượt trình độ của 6 nước thành viên ASEAN hay các nước phát triển hơn làm mục tiêu phấn đấu.
 
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành phải tinh giản các thủ tục hành chính trong thu thuế, cấp giấy phép xây dựng, thủ tục hải quan, xuất-nhập khẩu v.v.
 
Bảng xếp hạng về chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) sau đây cho thấy năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
 
 
Chính phủ cũng đã trình ra Quốc hội nhiều dự án luật có nội dung đổi mới mạnh mẽ và trong phiên họp cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở sửa đổi và nhiều luật khác như luật về thuế... Các luật này xác định khung pháp luật được cải tiến để các cơ quan nhà nước và các bộ phải thực hiện như giảm ngày đăng ký kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 3 ngày, bãi bỏ quy định liệt kê các ngành nghề được phép kinh doanh...
 
Ngày 9/2/2015, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc giảm số giờ nộp thuế, giảm được 290 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm) và dự kiến từ 1/1/2015 sẽ giảm thêm 80 giờ nữa, còn 167 giờ/năm, thấp hơn mức trung bình của ASEAN-6 là 172 giờ/ năm. Đó là những tín hiệu rất đáng khích lệ.
 
Tuy vậy, cuộc cải cách thể chế cần tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện trong năm 2015 để nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.
 
Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm nay của Ngân hàng thế giới cho thấy nhiều xếp hạng rất thấp và còn những khoảng cách khá xa về nhiều chỉ tiêu mà chúng ta cần phải vượt qua để đuổi kịp các nước trong khu vực.
 
 
Trước hết, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một loạt luật khác để mở rộng quyền tự do kinh doanh theo pháp luật đã được quy định trong Hiến pháp 2013, giảm rủi ro về pháp lý, bảo đảm an toàn về tài sản, đầu tư, kinh doanh, cải thiện trật tự thị trường, thực hiện cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, kiểm soát độc quyền.
 
Hiện nay, đã xuất hiện những lo ngại trong bảo vệ quyền tài sản gửi ngân hàng, tài sản thế chấp, tài sản góp vốn cho công ty cổ phần, tài sản được thu hồi… chưa được bảo vệ thích đáng. Đã xuất hiện sự không tương thích trong khung pháp luật, thí dụ như Điều 159 của Bộ luật Hình sự vẫn quy định tội kinh doanh trái phép là không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014, cần phải sửa hay có quy định không áp dụng để tránh chồng chéo trong khung pháp luật của nước ta. Các doanh nhân và luật sư cũng bày tỏ sự lo ngại về việc thi hành Luật Tố tụng hình sự, về quyền của luật sư được tham gia vào quá trình điều tra để tránh oan sai, bảo vệ thân chủ theo pháp luật.
 
Vì vậy, cải cách hành chính phải bao gồm cải cách pháp luật và thực thi pháp luật. Nên chăng, trong năm 2015, trong khuôn khổ cải cách thể chế cần xem xét và sửa đổi, bổ sung những luật pháp liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, tỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh, bổ sung quyền hạn kiểm soát độc quyền, nâng cao vị thế của Cơ quan quản lý cạnh tranh và kiểm soát độc quyền...
 
Hiện nay, sau khi có luật được Quốc hội thông qua, trong nhiều trường hợp, Chính phủ phải ban hành nghị định, các bộ ban hành thông tư hướng dẫn để thực hiện luật dẫn đến chậm trễ trong thời gian thi hành luật, trong không ít trường hợp đã phát hiện những quy định hạn chế nội dung luật hoặc mâu thuẫn với luật đã được ban hành. Nên chăng, cải cách thể chế cũng cần quy định rõ hiệu lực pháp lý và trách nhiệm của cơ quan ban hành, trách nhiệm của người ký ban hành văn bản có thiếu sót, sai phạm.
 
Xu thế công khai, minh bạch trên thế giới đã tiến rất xa, họ đã thực hiện công khai lịch làm việc, chi phí đi nước ngoài của công chức các cấp, kể cả Tổng thống, Thủ tướng, trên mạng. Thực tế cho thấy càng công khai, minh bạch thì càng hạn chế được tiêu cực, lạm dụng chức quyền, lợi ích nhóm bất chính. Rất cần ban hành sớm, chi tiết những nội dung phải công khai trên mạng của cơ quan và công chức nhà nước, nhất là những chi tiêu liên quan đến ngân sách là tiền thu thuế của dân.
 
Một nhân tố quan trọng trong thực thi luật pháp là sự thực hiện nghiêm túc phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Ngân hàng thế giới trong khi đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước tích cực ban hành pháp luật thì cũng xếp Việt Nam vào 10 nước thực hiện kém pháp luật đã ban hành. Cần sớm ban hành quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi pháp luật của công chức và quy định rõ những điều nghiêm cấm công chức không được làm.
 
Doanh nghiệp cũng than phiền nhiều về những yêu cầu của cơ quan A hay B đòi chi mừng tuổi Tết, chi tiền nghỉ mát mùa hè, chi kinh phí cho cán bộ đi nghiên cứu ở nước ngoài, thậm chí gọi doanh nghiệp đến trả tiền cho cán bộ ăn nhậu, hát karaoke… Rất mong trong năm 2015 sớm có quy định nghiêm cấm các hành vi này vì đó là những hành vi có yếu tố tham nhũng rõ ràng.
 
Nếu thực hiện được như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện và năng lực cạnh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên rõ rệt.
 
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự sáng tạo, đổi mới khoa học-công nghệ trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển bền vững của mỗi dân tộc và nền kinh tế. Những nước sáng tạo về khoa học-công nghệ, luôn tự đổi mới là những nước được xếp đầu bảng về năng lực cạnh tranh. Vì vậy, cần xây dựng một nhà nước trọng dụng nhân tài, khuyến khích sáng tạo, chấp nhận phản biện, ủng hộ sáng kiến, cái mới, nhanh chóng luật hóa những sáng tạo mới xuất hiện.
 
Một nhà nước như vậy cũng cần có thái độ cầu thị và khoan dung đối với những vấp ngã trong sáng tạo, trong kinh doanh không có dụng ý xấu và không vi phạm pháp luật, vì vấp ngã trong thế giới đầy biến động và rủi ro này là rất khó tránh. Chính vì vậy mà nhà nước Israel đã nhiệt liệt ủng hộ "vi khuẩn khởi nghiệp", khuyến khích các sinh viên lập công ty kinh doanh ngay khi còn học đại học. Họ cũng đưa ra phương châm "chào đón sự sai sót và thất bại", khuyến khích tinh thần bao dung, không lên án mà giúp đỡ người vấp ngã để tiếp tục sáng tạo, tiếp tục kinh doanh.
 
Rất mong nhà nước ta sẽ sớm cải cách để trở thành một nhà nước cải cách, tự mình phát hiện sớm nhất những thiếu sót và hạn chế của mình và ủng hộ sáng tạo, nhanh chóng tự sửa đổi những yếu kém của mình. Đó là đột phá mà người dân mong đợi trong những ngày Xuân này, cho năm Ất Mùi 2015 trên quê hương Việt Nam yêu dấu.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác