Kinh tế xã hội
Niềm tin doanh nghiệp trước thềm Xuân Ất Mùi
09:38, 18/02/2015 (GMT+7)
Doanh nghiệp Việt Nam bước vào thềm Năm mới Ất Mùi 2015 với từng bước đi vững vàng, hứng khởi sau khi đã khẳng định mình qua chặng đường gian nan kể từ năm 2008 cho đến nay.
Nếu như dấu hiệu phục hồi được khẳng định từ giữa năm 2014 thì đầu Xuân 2015 chính là thời điểm các doanh nghiệp có thể tiếp tục củng cố vị thế, cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Tháng 12/2014, "Khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam 2014" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra xu hướng này, cho thấy chúng ta có thể tin tưởng về một năm mới với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển.
Cơ sở của niềm tin kinh doanh
Tổng thể các điều kiện sản xuất kinh doanh năm 2014 được các doanh nghiệp đánh giá là tốt hơn nhiều so với năm 2013.
Đây là kết quả tổng hợp khi các doanh nghiệp đánh giá về nhu cầu thị trường trong nước, nhu cầu thị trường quốc tế, tiếp cận vốn vay, cung ứng lao động có tay nghề, tiếp cận thông tin thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng tiện ích, điều kiện giao thông và cấp đất giải phóng mặt bằng. Mặc dù vấn đề về giá thành sản xuất không được cải thiện nhiều so với các yếu tố khác, nhưng nó cũng vẫn được đánh giá là tốt hơn so với năm 2013.
Năm 2015 được tin tưởng sẽ là một năm khởi sắc của doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh minh họa |
Đáng chú ý là điều kiện giao thông và các hạ tầng tiện ích được các doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao về mức độ cải thiện. Đó cũng là kết quả của việc đưa vào vận hành hàng loạt các công trình giao thông như Nhà ga T 2 sân bay quốc tế Nội bài, các đường cao tốc ở phía Bắc, phía Nam, một số cây cầu lớn…
Hỗ trợ, củng cố niềm tin này là sự đánh giá cao về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực thủ tục thuế và hải quan. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đã mang lại một số hiệu quả nhất định, đặc biệt là Chương trình trợ giúp đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ cũng là một trong những động lực quan trọng để thức đẩy quá trình này, nhất là các biện pháp đã được triển khai trong lĩnh vực rà soát thủ tục xuất nhập khẩu, cải tiến quy trình nộp thuế, đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2014 qua cũng cho thấy, tuy số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể giảm không nhiều nhưng thời gian ngừng hoạt động trung bình đã giảm đi một nửa, 2 tháng so với hơn 4 tháng ở năm 2013.
Những khó khăn vừa qua đã sàng lọc lại những doanh nghiệp thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2014, đã có 22.758 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595.707 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1.027.993 tỷ đồng.
Qua khảo sát của VCCI, có đến gần 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát hoàn thành hoặc vượt kế hoạch doanh thu và kế hoạch thị trường.
Với cơ sở đó, dự cảm của doanh nghiệp về một năm 2015 là khá lạc quan. So với những gì cảm nhận thấy của năm 2014, thì mức độ lạc quan về nhu cầu thị trường trong nước lại rất cao, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có những đánh giá về thị trường thận trọng, chính xác hơn và xác định chiến lược kinh doanh của mình một cách căn bản hơn.
Cần hạn chế những rủi ro chính sách
Tuy nhiên, khu vực DNNVV vẫn phải vật lộn với rất nhiều khó khăn trước mắt, nhất là trong lúc Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào thị trường toàn cầu. Những hạn chế về quy mô nhỏ hiển nhiên đã tạo ra những bất lợi mà nếu như thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức của doanh nghiệp thì các DNNVV khó có thể bứt phá được.
Ba cản trở chính được các doanh nghiệp đánh giá là đã hạn chế việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu: Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, doanh nghiệp chưa tiếp cận được công nghệ phù hợp và chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu.
Nếu so sánh đánh giá về các điều kiện tổng thể về sản xuất kinh doanh cũng như môi trường kinh doanh thì khu vực DNNVV luôn có cái nhìn kém lạc quan hơn. Chính vì vậy đề xuất về việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.
Sau một chặng đường gian nan vất vả, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rút ra được một số bài học về quản lý rủi ro. Tuy nhiên những rủi ro về thị trường xuất khẩu hay rủi ro về điều chỉnh chính sách đột ngột vẫn là những rủi ro mà doanh nghiệp đáng quan ngại nhất và khó điều chỉnh nhất.
Không ai khác, Chính phủ là cơ quan có thể giúp doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro này bằng việc ban hành những chính sách dễ tiên liệu, không đột ngột, có sự tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, thường xuyên rà soát đánh giá tác động của chính sách.
Bên cạnh đó là việc xây dựng một hệ thống thông tin, cảnh báo rủi ro về thị trường xuất nhập khẩu, cũng như xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp, để củng cố và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Với những nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ, năm 2015 được tin tưởng sẽ là một năm khởi sắc của doanh nghiệp Việt Nam.
TS Phạm Thị Thu Hằng
Nguồn: chinhphu.vn