Kinh tế xã hội
Thương cảng của người Chăm - Việt
14:35, 05/03/2015 (GMT+7)
Sông Côn là con sông lớn nhất ở Bình Định, bồi đắp nên vùng châu thổ trù phú cho tiểu quốc Vijaya của xứ sở Champa. Đồng bằng phì nhiêu của nó đã tạo nên nền nông nghiệp phồn thịnh cho tiểu quốc này, là cơ sở để các cư dân cổ tại đây kết nối với miền Thượng (Tây Nguyên ngày nay) và vươn ra thế giới.
Sản vật miền xuôi ngược được tập kết tại hạ lưu, nơi nhiều nhánh sông đổ ra vịnh Thị Nại. Cửa biển phía bắc dần thành thương cảng Thị Nại và năm cảng nhỏ đó chính là năm cửa của sông Côn.
Suốt từ thế kỷ kỷ X-XV Thị Nại là thương cảng chính yếu của vùng Vijaya và vương quốc Champa, đồng thời là cửa ngõ quan trọng nhất để Champa tham dự và hội nhập vào nền hàng hải khu vực và thế giới. Với vị trí nằm trên con đường hàng hải quốc tế, Thị Nại đã từng có mối quan hệ với nhiều khu vực trong nước và các quốc gia láng giềng. Chính vì thế mà thương cảng này được ghi chép qua nhiều thư tịch cổ Việt Nam như Việt sử lược, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Phương đình dư địa chí... với nhiều tên gọi khác nhau như: Thi Lị Bì Nại, Tì Ni, Thiết Ti Nại, Thu Mi Liên, Tân Châu Cảng, Chiêm Thành Cảng, Cri Banoy, Cri Bandy, Chopinai...
Trong An nam lược chí, Lê Tắc cũng ghi rằng "Chiêm Thành lập quốc tại mé biển, thương thuyền Trung Quốc vượt bể đi đến nước phiên phục, thường tập trung tại đấy để chứa củi và nước, là bến tàu lớn nhất tại phía Nam". Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: "Người Chăm cổ có cái nhìn về biển đúng đắn, biết cấu trúc một nền kinh tế tổng hợp đa ngành, tuy còn chất phác, thô sơ nhưng đã biết khai thác mọi tài nguyên trên nguồn rừng, dưới biển khơi... để xuất khẩu, có đội chiến thuyền và thương thuyền đủ lớn, đủ mạnh để ra khơi góp phần xây dựng Champa hưng thịnh một thời".
Tuy nhiên, cùng với sự suy tàn của đề chế Champa và sự trỗi dậy của một số thương cảng khác của Đại Việt, Thị Nại dần mất đi vai trò của mình. Sau hơn hai thế kỷ gần như hoang phế, đến thời chúa Nguyễn, với chính sách cởi mở trọng thị với các thương nhân ngoại quốc đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản trong việc trao đổi hàng hóa, thương cảng Thị Nại xưa đã mau chóng phục hưng trở lại, thành một thương cảng sầm uất của vùng Đàng Trong thời bấy giờ với cái tên mới "Nước Mặn".
Sự phong phú của các sản vật tự nhiên đã mang lại nguồn hàng dồi dào, có giá trị như: trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, gỗ quý, thóc lúa... thu hút sự có mặt của các thương nhân, tàu buôn tới trao đổi, buôn bán. Đưa Nước Mặn trở thành một cửa khẩu thương mại quan trọng trong vùng Đông Nam Á và là điểm trung chuyển quan trọng trên "Con đường gốm sứ" ở vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương trong thời đại Đại thương mại, trở thành cầu nối hiệu quả giữa thị trường trong nước với thế giới bên ngoài.
Vùng trung tâm cảng thị có nhiều dãy phố chạy ngang dọc như kẻ bàn cờ. có những dãy phố chuyên bán một loại hàng hóa: dãy phố Tàu Sáu chuyên bán vàng bạc và đồ trang sức, dãy phố Tàu Đông có nhiều tiệm thuốc bắc, vừa bán thuốc vừa bắt mạch, có phố bán hàng mã, hàng tơ lụa gấm vóc...Sầm uất nhất là khu phố chợ. Chợ Nước Mặn họp hàng ngày nhưng tấp nập nhất là những ngày chợ phiên: 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch.
Cùng với buôn bán, thương cảng này còn thu hút các nhà truyền giáo các thừa sai Phương Tây. Đây là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII. Họ là những người có trình độ văn hóa cao, hiểu biết những phát triển mới về khoa học, kỹ thuật nên đã mang tới Nước Mặn những nhân tố văn hóa, lối sông mới.
Tại đây, ba nhà truyền giáo là Buzomi, Pina, Borri đã được sự giúp đỡ của một văn nhân Việt Nam trong việc dịch kinh và chuyển mẫu tự La tinh. Để từ đó tổ chức nên điểm tiếng Việt cho nhiều người nước ngoài và tạo điều kiện cho Alexandre de Rhodes hoàn chỉnh việc la tinh hóa tiếng Việt, hình thành chữ quốc ngữ về sau. Vậy nên, có thể coi Nước Mặn là nơi phôi thai nên chữ viết của chúng ta ngày nay.
Không chỉ là thương cảng, Nước Mặn còn đóng vai trò quan trọng trên con đường tiến về phương Nam của các chúa Nguyễn, từ đây người Việt dong thuyền đưa quân vào khai vùng Phú Yên (Cù Mông - Bà Đài) và mở rộng biên giới Đàng Trong tiến dần về phía Nam.
Cuối thế kỉ XVIII sang đầu thế kỉ XIX Cửa Thử bị lấp, phù sa các chi phái sông Côn đổ dồn về, ngưng tụ lại, lấp cạn phía Bắc vịnh Thị Nại. Lòng sông nâng lên, cửa sông dần cạn, tàu thuyền lớn không thể ra vào cập bến cảng thị Nước Mặn mà phải lui xuống Cầu Vạn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại phải lui xuống cập bến Gò Bồi, cuối cùng phải dừng lại ở cửa biển Quy Nhơn để hình thành cảng thị mới nằm sát Biển Đông.
Đến năm 1839 trong địa bạ Bình Định vẫn còn ghi Nước Mặn là một thành phố, nhưng lúc này không còn vai trò của một cảng thị. Thương cảng sầm uất gần hai thế kỷ dần đi vào dĩ vãng, nhưng hình bóng vẫn còn lưu dấu ở các thôn: An Hoà, Lương Quang thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay.
Nguồn: vef.vn