Kinh tế xã hội
Đổi mới ngành mía đường để hội nhập và phát triển
14:53, 04/03/2015 (GMT+7)
Ngành mía đường đã và đang được Nhà nước bảo hộ ở mức độ khá cao. Giá đường trong nước vẫn cao hơn giá thế giới và đời sống người trồng mía vẫn khó khăn. Không thể phủ nhận mặt tích cực của chính sách bảo hộ, nhưng mãi duy trì chính sách này sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế.
Ngành mía đường được bảo hộ nhiều năm, nhưng liên tục “kêu cứu”: khi thì đề nghị cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch; khi thì đề nghị tăng thời hạn giảm áp dụng thuế nhập khẩu đường 0% đến năm 2018 thay vì áp dụng từ năm 2015 như kế hoạch.
Khi thụ hưởng chính sách bảo hộ, đáng ra các nhà máy đường phải là “bà đỡ” cho người trồng mía về giống, vật tư, kỹ thuật, khoa học - công nghệ..., nhưng nhiều năm qua, quan hệ giữa người trồng mía với các nhà máy đường vẫn theo phương thức “mua đứt, bán đoạn”, đẩy khó khăn về phía người trồng mía dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá” và ngược lại. Khi lợi ích không được chia sẻ, rất có thể người trồng mía sẽ chuyển nghề, áp lực về nguồn nguyên liệu sẽ đe dọa sự tồn tại của không ít nhà máy đường.
Ngoài những khó khăn dồn về người trồng mía, áp lực về giá cũng dồn về phía người tiêu dùng. Thực tế những năm qua cho thấy, người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác, vẫn phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới.
Giá đường cao, nhưng người trồng mía vẫn khó khăn |
Hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng các doanh nghiệp mía đường vẫn chưa biết cách “vươn ra biển lớn” khi vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu các sản phẩm mía đường thông qua các doanh nghiệp thương mại trung gian, nên giảm hiệu suất, tăng chi phí và giá thành.
Chính sách bảo hộ một số ngành kinh tế “non trẻ”, chưa đủ sức cạnh tranh trong thời điểm nhất định là cần thiết, nhưng duy trì việc bảo hộ quá lâu dễ dẫn đến việc ỷ lại “ bầu sữa” ngân sách, không chịu sáng tạo, đổi mới...
Theo lộ trình, năm 2015, Việt Nam phải cấp hạn ngạch thuế quan khoảng 81.000 tấn đường với mức thuế suất ưu đãi dành cho các thành viên Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) là 25% đối với đường thô và 40% đối với đường trắng. Còn theo cam kết hội nhập chung của các nước ASEAN, Việt Nam sẽ dành cho các thành viên ASEAN mức thuế suất ưu đãi trong hạn ngạch 5% đối với cả đường trắng và đường thô và sẽ tự do hóa nhập khẩu đường của các nước ASEAN vào thời điểm năm 2018.
Không chỉ ngành mía đường, một số ngành công nghiệp khác (thép, ôtô...) được bảo hộ thuế quan đang đứng trước sức ép cạnh tranh khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết với lộ trình giảm dần thuế về 0%.
Hội nhập quốc tế, với sự cạnh tranh không ngừng nghỉ, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy trông chờ vào Nhà nước. Mở cửa hội nhập ngoài việc mang đến những vận hội to lớn cũng đồng thời mang đến những thách thức không nhỏ đòi hỏi không chỉ Chính phủ mà bản thân các doanh nghiệp, hiệp hội và các ngành sản xuất, trong đó có ngành mía đường trong nước cần phải đổi mới để phát triển, đưa nền kinh tế đất nước ngày càng vươn lên xứng tầm khu vực và thế giới.
Nguồn: dangcongsan.vn