Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/kho-khan-bai-toan-chuyen-doi-cong-nghe-590470/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201503/kho-khan-bai-toan-chuyen-doi-cong-nghe-590470/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khó khăn 'bài toán' chuyển đổi công nghệ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 03/03/2015, 08:41 [GMT+7]

Khó khăn 'bài toán' chuyển đổi công nghệ

(Congannghean.vn)-Theo Quyết định số 567 ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) đến năm 2020, tỉ lệ VLXDKN so với vật liệu nung phải chiếm từ 20 - 25% vào năm 2015 và từ 30 - 40% vào năm 2020. Chính sách này được xem như một thử thách lớn đối với các nhà máy sản xuất gạch tuynel (gạch đất sét nung) trên địa bàn. Và câu hỏi làm thế nào để xây dựng được phương án chuyển đổi hợp lý, giữ vững tình hình sản xuất kinh doanh để tránh đứng trước bờ vực phá sản vẫn là “bài toán” khó đối với phần lớn nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Xu hướng tất yếu trong phát triển công nghệ sạch
 
Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất gạch thủ công bằng cách đốt lò đã đem lại việc làm, thu nhập, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn lượng vật liệu xây dựng, đặc biệt cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những hạn chế, bất cập nhất định như: Tiêu hao nhiều nhiên liệu, thu hẹp diện tích nhà ở, đất sản xuất và gây ô nhiễm môi trường.
 
Để từng bước giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 “Về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXDKN đến năm 2020” với nội dung nhấn mạnh việc tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch thủ công để chuyển sang công nghệ tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Theo nội dung chương trình phát triển VLXDKN đến năm 2020 thì những VLXDKN gồm: gạch xi măng - cốt liệu, vật liệu nhẹ như gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt và một số sản phẩm khác như đá chẻ, gạch đá ong, VLXDKN từ đất đồi, phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp...
Chuyển đổi mô hình sản xuất VLXDKN còn gặp nhiều khó khăn
Chuyển đổi mô hình sản xuất VLXDKN còn gặp nhiều khó khăn
Thực tế, việc tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là xu hướng tất yếu trong phát triển công nghệ sạch. Việc sản xuất VLXDKN còn tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải. Hiện, tỉnh ta đã xây dựng Đề án “Phát triển gạch xây không nung trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. 
 
Theo đó, mục tiêu năm 2013, sản xuất 100 triệu viên gạch không nung chất lượng cao là cơ sở để bắt đầu thực hiện lộ trình từ năm 2014, các công trình xây dựng thuộc đầu tư công (trụ sở, trường học, bệnh viện) bắt buộc sử dụng gạch không nung chất lượng cao và các công trình cao tầng sử dụng 30% tổng số vật liệu là gạch không nung.
 
“Bài toán” chuyển đổi công nghệ
 
Thời gian qua, các cơ sở sản xuất VLXDKN trên địa bàn tỉnh được hình thành, bước đầu đáp ứng yêu cầu thị trường. Lợi thế của VLXDKN cùng với chủ trương tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là vậy, song thực tế, loại vật liệu được đánh giá là tân tiến này lại chưa đứng vững trên thị trường. Điều đó dẫn đến việc sử dụng VLXDKN vào các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi. Thời gian gần đây, lĩnh vực sản xuất gạch lát và ngói không nung đang “nở rộ” và hình thành nên những vùng sản xuất gạch lát, ngói màu không nung tại TP Vinh. 
 
Mặc dù trên thị trường xuất hiện nhiều mẫu gạch không nung với giá thành hợp lý, nhưng có một thực tế là, đa số người dân vẫn còn thói quen sử dụng gạch đất nung truyền thống. Điều này khiến không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXDKN bằng công nghệ mới trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng “cung vượt quá cầu”. Qua trao đổi, nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực sản xuất gạch tuynel cho rằng: Chuyển đổi mô hình sản xuất thì dễ, nhưng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng rất khó.
 
Tuy có nhiều lợi thế, nhưng việc tiêu thụ loại gạch này thường gặp khó khăn. Sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ để phục vụ cho toà nhà chung cư cao tầng, trong khi các công trình dân sinh vẫn giữ tập quán sử dụng gạch đất sét nung. Hiện nay, trên địa bàn TP Vinh, có một số DN đầu tư công nghệ sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ với công suất đạt hàng chục triệu viên/năm, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh thường “gặp khó” bởi sản phẩm không cạnh tranh được với gạch đất nung.
 
Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, chính sách đồng hành cùng DN, tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tạo “cú hích” để tiếp cận công nghệ sản xuất mới. Theo Giám đốc Sở Xây dựng: Nhằm đẩy nhanh việc xóa bỏ lò gạch thủ công và từng bước hạn chế sản xuất gạch đất nung, tỉnh chú trọng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị, thành với 3 nội dung về việc chấp hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, tiến độ thực hiện các dự án sản xuất gạch không nung, giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, sẽ có thêm những bổ sung, điều chỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển VLXDKN. 
 
Thiết nghĩ, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành địa phương, để quá trình chuyển đổi sử dụng VLXDKN đạt được mục tiêu đề ra, Nhà nước cần ban hành thêm các chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, thuê đất, vốn vay…; khuyến khích sử dụng VLXDKN trong xây dựng công trình. Đồng thời, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mỗi doanh nghiệp, người dân nhận thức rõ ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXDKN.
.

Hồng Hạnh

.