(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh được các cấp, ngành, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp chú trọng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, tai nạn trong lao động vẫn còn xảy ra và luôn là mối quan tâm của mỗi người dân và cộng đồng xã hội. Vì vậy, "đảm bảo an toàn để sản xuất" luôn là thông điệp mang nhiều ý nghĩa không chỉ trong tuần lễ hành động mà còn là việc làm thường xuyên cần được chú trọng.
Theo báo cáo của ngành lao động, thương binh và xã hội Nghệ An, năm 2014, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLT-PCCN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, thanh, kiểm tra tại các khu công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, góp phần hạn chế, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, cháy nổ. Tuy nhiên, trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 26 vụ tai nạn lao động, làm 14 người bị thương nặng. Toàn tỉnh cũng đã xảy ra 3 vụ cháy nổ, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế cũng như quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, trong quá trình hội nhập và chủ trương thu hút đầu tư, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã có khởi sắc trong phát triển các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nên bộ mặt kinh tế khởi sắc cho địa phương. Xác định tầm quan trọng này, ở các địa phương, trong đó tập trung ở các huyện có nhiều khoáng sản đã chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và ý thức của người lao động.
Các doanh nghiệp cần trang bị các điều kiện cần thiết về VSATLĐ-PCCN cho người lao động nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả |
Thế nhưng, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn để xảy ra vi phạm lao động về giờ giấc, chế độ bảo hiểm, hợp đồng lao động, đặc biệt đã "phớt lờ" sức khỏe, tính mạng của người lao động khi không trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh, đó là chưa kể đến việc để xảy ra vi phạm trong quy trình khai thác. Do đó, mỗi khi không may có tai nạn xảy ra, giữa doanh nghiệp và người lao động không tìm được tiếng nói chung; "quả bóng trách nhiệm" được đẩy đi đẩy lại. Về phía doanh nghiệp thì lấy lý do đã quán triệt đầy đủ các quy định nhưng do không giám sát thường xuyên nên còn xảy ra tai nạn; còn người lao động thì ngụy biện cho rằng, trang bị đầy đủ các yêu cầu về bảo hộ lao động sẽ gây "khó chịu" khi sản xuất, lao động.
Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm 2015 (từ 15 - 21/3) có chủ đề “Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”. Theo đó, trong Tuần lễ, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền; tổ chức tập huấn cho người sử dụng lao động, người lao động và người làm công tác ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ-PCCN... Qua đó, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác an toàn lao động.
Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, nhằm giảm thiểu tai nạn lao động xảy ra. Điều này đòi hỏi chính người lao động cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong sản xuất; tự giác chấp hành các quy định. Đó cũng là cách để người lao động tự bảo vệ mình và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra, vì sự an toàn, hạnh phúc của chính mình.
.