Kinh tế xã hội
100% đậu tương nhập ngoại là biến đổi gen
16:18, 04/02/2015 (GMT+7)
Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 93% đậu tương và chỉ có 7% là hàng sản xuất trong nước. 100% số đậu tương nhập khẩu là sản phẩm biến đổi gen. Rất có thể, miếng đậu phụ, cốc sữa đậu nành chúng ta uống hàng ngày được làm từ ngô biến đổi gen.
Đó là tiết lộ của ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam tại hội nghị Triển vọng về cây trồng biến đổi gen 2014, diễn ra ngày 3/2.
Ông Hàm khẳng định, cây trồng biến đổi gen đang là cơ hội giúp người nông dân tăng năng suất, xoá đói giảm. Và ở Việt Nam, chúng ta đã chấp nhận đưa ba giống biến đổi gen là ngô, bông và đậu tương vào sản xuất.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề người dân khó có thể chấp nhận sản phẩm biến đổi, ông Lê Huy Hàm cho biết: "Đậu tương chúng ta nhập đến 93% nhu cầu, chỉ có 7% là sản xuất trong nước. 100% đậu tương này là sản phẩm biến đổi gen và chúng ta đã nhập từ những năm 2000 cho đến nay".
Ngô trồng trong nước mới đáp ứng được 7% nhu cầu tại Việt Nam |
Bên cạnh đó, ông cũng cho hay, mặc dù một lượng lớn sản phẩm biến đổi gen được lưu hành trong nước song tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp vẫn chưa tiến hành dán mác thông báo sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn.
Đây là vấn đề đã gây tranh cãi trong suốt thời gian qua. Việt Nam đã nhiều lần thảo luận quy chế dán nhãn nhưng chưa thể ban hành.
Theo quy định ở châu Âu, lượng biến đổi gen 1% hàm lượng trở lên phải dán nhãn, còn ở châu Á, lượng biến đổi gen phải dán nhãn trên 5%.
"Muốn có sản phẩm dán nhãn biến đổi gen, Việt Nam phải có quy trình kiểm nghiệm và tốn khá nhiều chi phí. Các chi phí này sẽ được tính vào giá thành sản phẩm. Và nếu được thực hiện, thì giá thành sẽ tăng lên khoảng 10-12%. Như vậy người tiêu dùng sẽ phải gánh thêm chi phí này", ông Hàm nói.
Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), năm 2014, có khoảng 181 triệu ha cây trồng công nghê sinh học được canh tác trên toàn cầu, tăng hơn 6 triệu ha so với năm 2013. Tính đến nay, có tổng cộng 28 quốc gia canh tác cây trồng công nghệ sinh học.
"Tổng luỹ kế diện tích canh tác các loại cây trồng công nghệ sinh học trong giai đoạn 1996-2014 nhiều hơn 80% tổng diện tích đất của Trung Quốc. Và tổng diện tích toàn cầu đã tăng hơn 100 lần so với những năm đầu tiên canh tác cây trồng công nghệ sinh học", TS Clive James, chủ tịch ISAAA cho hay.
Nguồn: vef.vn