Kinh tế xã hội

Nhà ở xã hội cho sinh viên: Lỡ hẹn đến bao giờ

08:49, 02/02/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cách đây 5 năm, trước tình trạng khan hiếm nhà trọ, nhiều dự án nhà ở xã hội cho sinh viên được đồng loạt triển khai xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với kỳ vọng sẽ đáp ứng được chỗ ở cho hàng nghìn sinh viên, đồng thời, mang lại diện mạo mới cho mỹ quan đô thị nhờ các “làng sinh viên” kiểu mẫu. Thế nhưng, đến nay, tuy đã quá thời hạn đi vào hoạt động hơn 2 năm, những dự án này vẫn chưa được đưa vào hoạt động, trong khi một bộ phận sinh viên đang phải sống trong các nhà trọ lụp xụp với giá “cắt cổ”.

 Dự án nhà ở sinh viên Vinh Trung đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng
Dự án nhà ở sinh viên Vinh Trung đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng
Nhiều kỳ vọng về nhà ở xã hội cho sinh viên
 
Năm 2010, trước thực trạng các trường ĐH, CĐ trên địa bàn chỉ mới đáp ứng được 10% về nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, buộc các em phải thuê trọ bên ngoài trong điều kiện không đảm bảo ANTT và nơi ăn chốn ở; 5 dự án nhà ở cho sinh viên đã được triển khai xây dựng. Trong số đó, ngoại trừ khu kí túc xá (KTX) của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An đã đưa vào hoạt động, 4 dự án khác với số vốn đầu tư khoảng 190,864 tỉ đồng đã được gấp rút triển khai.
 
Bao gồm: Khu nhà ở sinh viên Vinh Trung tại phường Trung Đô, gồm 2 toà nhà cao 16 tầng với 240 phòng, số tiền đầu tư hơn 250 tỉ đồng; Nhà ở sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An tại xã Hưng Lộc, quy mô 5 toà nhà cao 5 tầng với giá trị hơn 70 tỉ đồng; Nhà ở cho sinh viên tại phường Hưng Bình, số vốn đầu tư gần 89 tỉ đồng.
 
Ngoài ra, Trường Đại học Vinh còn triển khai một số công trình khác như: Khu KTX cho sinh viên Lào tại khuôn viên cơ sở 1, số tiền đầu tư xấp xỉ 18 tỉ đồng; khu KTX tại cơ sở 2 ở xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc với 250 chỗ ở, số tiền đầu tư 8,2 tỉ đồng. Tất cả các công trình này được khởi công từ năm 2010 và sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 24 tháng nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng gần 10.000 sinh viên của 5 trường đại học, 7 trường cao đẳng và hàng chục trường trung cấp, các cơ sở liên kết đào tạo trên địa bàn. 
 
Kỳ vọng là vậy, nhưng sau hơn 4 năm kể từ khi được triển khai đồng bộ, đến nay, nhiều dự án về nhà ở xã hội cho sinh viên vẫn còn đang dang dở, thậm chí, có dự án đã hoàn thành việc xây dựng nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng và trở thành nơi đổ rác của người dân sống xung quanh. Điển hình là Khu nhà ở sinh viên Vinh Trung tại phường Trung Đô (TP Vinh), được triển khai xây dựng theo Quyết định 4755 của UBND tỉnh ngày 18/9/2009.
 
Với mục đích xây dựng trở thành khu nhà ở cho học sinh, sinh viên và giáo viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn TP Vinh, tòa nhà gồm các hạng mục chính là 3 khối nhà ở cao 16 tầng, 1 nhà đa chức năng cao 2 tầng và hệ thống bể bơi gồm 5 đường bơi cùng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tọa lạc trên diện tích 14.500 m2, có sức chứa 1.904 người, với tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án xây dựng dân dụng và kỹ thuật hạ tầng đô thị (Ban A), đơn vị thi công là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico). Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 9/2009, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2013. 
 
Chậm tiến độ vì thiếu vốn
 
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, dự án trên vẫn chưa thể đưa vào hoạt động dù đã hoàn thiện từ trước đó. Nguyên nhân được cho là thiếu vốn dẫn đến chậm tiến độ thi công. Ông Nguyễn Tất Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Đô cho biết, công trình xây xong nhưng không đưa vào sử dụng dẫn đến lãng phí, trong khi phường phải thường xuyên đi dọn rác do người dân sống xung quanh thải ra.
 
Thậm chí, khi UBND TP Vinh có chỉ thị rà soát lại diện tích nhà ở để tái định cư tạm thời cải tạo lại Khu chung cư A1 ở phường Quang Trung, UBND phường Trung Đô đã mạnh dạn đề xuất thành phố cho phép người dân đến đây ở vì thấy quá lãng phí. Trước đó, trong quá trình thi công, phía Handico cam kết sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng (có văn bản) để UBND phường làm lại con đường chạy từ đường Phượng Hoàng vào khu dự án, đi qua mặt tiền của trụ sở UBND phường Trung Đô.
 
Tuy nhiên, khi dự án đã cơ bản hoàn thiện, nhà thầu cũng “cao chạy xa bay”, trong khi đường đã xuống cấp nghiêm trọng nên phường Trung Đô phải bỏ tiền ra thuê người làm lại tuyến đường này. Đến nay, địa phương đang tính đến chuyện chặn đường lại để buộc nhà thầu phải thực hiện lời hứa. Được biết, vào giữa năm 2014, UBND tỉnh đã cấp kinh phí 4 tỉ đồng để mua sắm thiết bị nội thất, gồm 448 giường đôi, 896 giường đơn, 224 bàn và 1.792 ghế xếp nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn “phòng không nhà trống”.
 
Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp số 2, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, là đơn vị thi công thì được biết, ông này đã chuyển công tác từ 2 tháng nay nên ai phụ trách dự án, ông cũng không rõ!? Trong khi đó, ông Nguyễn Dũng Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Handico30 cho rằng, do đơn vị nhận thầu là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty ở Hà Nội nên Công ty Handico30 cũng không quản lý và phụ trách, vì vậy không nắm được tình hình dự án. 
 
Cùng với đó, Khu nhà ở sinh viên tại phường Hưng Bình do Trường ĐH Vinh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công nghiệp (ICIC), trụ sở tại Hà Nội cũng không đáp ứng được tiến độ. Quá trình triển khai dự án này còn phát sinh nhiều vấn đề khác như một số hạng mục trong công tác khảo sát, thiết kế chưa phù hợp, địa hình phức tạp.
 
Do đó, đến nay, thay vì đưa công trình đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2011 theo dự kiến, với thiết kế là một khu liên hợp đồ sộ, hiện đại, gồm các hạng mục: ký túc xá 9 tầng với 136 phòng ở, 8 phòng sinh hoạt chung, phòng điều hành, phòng đa năng, dịch vụ, y tế, nhà ăn, khu giải trí, nhà bảo vệ, gara, khuôn viên cây xanh… thì tại đây, công trường vẫn đang ngổn ngang, hai tòa nhà xây chưa xong phần thô, “phơi sương phơi nắng” trong suốt hơn 5 năm.
 
Mặc dù đã có nhiều lần làm việc để tháo gỡ vướng mắc giữa các cơ quan, ban, ngành của tỉnh với nhau và với Bộ Xây dựng nhưng đến nay, các dự án này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng theo đúng lộ trình. Trong khi đó, hàng nghìn sinh viên đang phải sống tại các nhà trọ ẩm thấp, không đủ điều kiện sinh hoạt, học tập cũng như các điều kiện về ANTT, mặc dù đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ hàng tháng để thuê trọ.

Thiện Thành

Các tin khác