Kinh tế xã hội

Thu phí đường bộ đối với xe gắn máy

Các địa phương vào cuộc chưa quyết liệt

09:00, 25/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Nghệ An bắt đầu tổ chức truy thu phí đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ đối với xe ôtô, xe gắn máy vào quý IV năm 2013. Theo dự kiến, sẽ thu 57,8 tỉ đồng đối với xe gắn máy nhưng đến hết năm 2013, mới chỉ truy thu được hơn 10 tỉ đồng. Năm 2014, cũng chỉ mới thu được 23/37 tỉ đồng, trong đó, 21/21 huyện, thị đều thu không đạt kế hoạch. Đây là hệ quả của sự vào cuộc chưa quyết liệt của các cấp chính quyền.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 467.000 xe gắn máy và việc thu phí đường bộ đối với xe gắn máy đều thông qua UBND phường, xã và khối, xóm. Trên cơ sở số lượng xe gắn máy đã qua thống kê, các phường, xã tổ chức thu phí. Theo đó, các phường sẽ được trích lại 8% và các xã là 15% để tạo nguồn kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, việc thu phí ở các phường, xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Ngay từ đầu năm, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Nghệ An đã tham mưu các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương tổ chức thu phí đường bộ đối với xe gắn máy. Quỹ cũng đã tổ chức cho cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với địa phương tháo gỡ những vướng mắc và xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động người dân nộp phí. Đồng thời, Quỹ cũng ban hành nhiều văn bản đốc thúc chính quyền tổ chức thu phí nhưng đến nay, tiến độ thu phí trên địa bàn vẫn còn rất chậm. Một số địa phương chưa thật sự mặn mà với công tác thu phí, đặc biệt là chính quyền cấp xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng cao.
 
Theo quy định, tất cả các phương tiện xe ôtô, xe gắn máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ - Ảnh minh họa
Theo quy định, tất cả các phương tiện xe ôtô, xe gắn máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ - Ảnh minh họa
 
Thông thường, UBND phường, xã thông qua cán bộ khối, xóm phát tờ khai đến tận tay người dân và tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nộp phí. Nhưng khi cán bộ khối xóm chưa nhiệt tình, người dân còn chây ì thì công tác thu phí gặp rất nhiều khó khăn.
 
Theo dự toán, năm 2014, sẽ thu hơn 37 tỉ đồng tiền phí đường bộ xe gắn máy, nhưng toàn tỉnh chỉ nộp quỹ trên 23,1 tỉ đồng, đạt 62,84%. Năm 2013, số lượng xe máy cũng tương đương năm 2014, nhưng toàn tỉnh chỉ nộp quỹ 10,3 tỉ đồng. TP Vinh có gần 63.000 xe máy, dự toán phải thu 5,79 tỉ đồng, nhưng năm 2014, chỉ nộp quỹ 2,22 tỉ đồng, đạt 38,32%. Trong số 21 huyện, thị của tỉnh, có đến 12 huyện, thị nộp quỹ dưới 1 tỉ đồng; 6 huyện, thị nộp quỹ dưới 500 triệu đồng. Huyện Anh Sơn là huyện thu nộp ngân sách cao nhất (đạt trên 90% kế hoạch), thấp nhất là huyện Quỳ Châu (chỉ đạt hơn 29% kế hoạch).
 
Nguyên nhân về việc cán bộ cấp khối, xóm chưa thật sự nhiệt tình trong công tác thu phí có thể xuất phát từ lợi ích kinh tế. Số tiền phần trăm được trích về cho phường, xã nhưng một số phường, xã đã không trích hoặc trích rất ít cho cán bộ khối, xóm, những người trực tiếp thông báo, vận động và thu tiền của người dân. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, công tác triển khai còn gặp khó khăn hơn nhiều vì địa bàn rộng, dân cư sống rải rác nên cán bộ rất vất vả trong việc thu phí. Mặt khác, ý thức người dân vẫn chưa cao, một bộ phận còn chây ì, tìm mọi cách không đóng phí đường bộ đối với xe gắn máy. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư 186/2013/TT-BTC đối với các đối tượng không nộp phí đường bộ với mức phạt từ 1 - 3 lần so với mức phí đến nay vẫn chưa được áp dụng, dẫn đến tình trạng người dân “nhờn” với quy định nộp phí.
 
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong năm qua, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động, từ tham mưu cho cấp trên, ban hành văn bản đốc thúc và tổ chức các đoàn kiểm tra xuống cơ sở để bám sát việc thu phí đường bộ nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Trong năm tới, sẽ tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao vai trò của cán bộ cấp địa phương và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân”.
 
Sau 2 năm triển khai thu phí đường bộ đối với xe gắn máy, tổng mức thu vẫn chưa đạt chỉ tiêu của riêng năm 2013 (34/57 tỉ đồng). Thực tế trên cho thấy sự thờ ơ của người dân và sự vào cuộc chưa quyết liệt của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã. Cần sớm ban hành chế tài xử lý đối với người dân không nộp phí và xử lý, kiểm điểm nghiêm túc đối với các địa phương thiếu quyết liệt trong triển khai và thực hiện.
 

Ngọc Hùng

Các tin khác