(Congannghean.vn)-Với thu nhập trên 200 triệu đồng lãi ròng mỗi năm, ông Lê Thanh Tùng ở khối 6, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên từ một nông dân nghèo đã trở thành triệu phú nhờ nghề nuôi ếch giống. Ông cũng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi ếch giống thành công đầu tiên của xã.
Sau 5 năm tham gia chiến đấu ở nước bạn Lào, năm 1990, ông Tùng trở về quê hương, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của tổ tiên. Trước khi đến với nghề nuôi ếch, ông từng thử mô hình tổng hợp nuôi lợn, vịt, cá trắm kết hợp với trồng lúa nước. Tuy nhiên, vì công việc vất vả, hiệu quả kinh tế không cao nên ông quyết định tìm cho mình một hướng đi mới.
Ông Tùng bên bể nuôi ếch giống của mình |
Năm 2009, tình cờ biết đến nghề nuôi ếch qua tivi, ông Tùng bỏ ra 20 triệu đồng mua 12.000 con giống nuôi thử lứa đầu tiên. Vì chưa có kinh nghiệm nên ông mất 4.000 - 5.000 con vì dịch bệnh. Lần đầu chịu lỗ nhưng ông không bỏ cuộc mà quyết tâm tích lũy thêm kiến thức để tìm ra phương pháp nuôi phù hợp nhất. Không chỉ tìm hiểu qua internet và sách báo, ông Tùng còn khăn gói đi tới các vùng có trại nuôi ếch thành công như An Giang, Hà Tĩnh… để học hỏi bí quyết, kỹ thuật chăm sóc con giống.
Năm 2010, ông tự mình thử nhân giống ếch lần đầu tiên. Với 25 con cái giữ lại từ lứa trước, ông lên Tân Kỳ mua con đực về cho giao phối, sinh sản. Nhân giống thành công, lứa ếch năm đó đã đem về cho gia đình ông gần 60 triệu đồng tiền lãi.
Hiện nay, ông Tùng đã sở hữu 6 bể nuôi ếch với diện tích khoảng 160 m2. Mỗi bể có thể nuôi khoảng 2.000 con giống. Ba năm gần đây, ông chủ yếu xuất bán con giống cho các huyện trong tỉnh như Nghi Lộc, Cửa Lò, Đô Lương… và nhiều vùng trong cả nước như An Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh. Mỗi năm, ông xuất bán khoảng 300.000 con. Giá bán mỗi con cũng tùy theo độ tuổi. Loại 25 - 30 ngày tuổi có giá 1.000 - 1.200 đồng/con, ếch 45 ngày tuổi có giá từ 1.500 đồng/con trở lên. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi ròng.
Theo ông Tùng, nuôi ếch giống cũng lắm công phu nhưng nếu nắm vững được phương pháp, kỹ thuật thì nghề này sẽ dễ dàng thu lợi lớn. Ếch là loài vật mẫn cảm với những thay đổi thời tiết nên cần tránh mưa. Người chăn nuôi theo dõi nếu thấy nắng kéo dài mà đột ngột có mưa thì phải hòa thuốc tím khoát đều trên đàn ếch hoặc cho muối vào bể. Muối trung hòa độ axit trong nước, sẽ tránh cho ếch không bị trướng hơi đầy bụng.
Điều quan trọng nhất trong quy trình chăn nuôi là việc chọn thời điểm cho ếch giao phối và sinh sản. Đó là khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4, có mưa rào, nhiệt độ và độ ẩm vừa phải. Khi con giống ra đời, cần chọn thức ăn nhiều dinh dưỡng. Mỗi ngày nên cho ăn khoảng 4 - 5 lần để chúng phát triển khỏe mạnh.
Ngoài những kinh nghiệm học hỏi được từ các chuyên gia, ông Tùng còn tự mình đúc rút nhiều bí quyết nuôi con giống hiệu quả. Một trong số đó là cách trị bệnh dân gian để tăng sức chống chịu bệnh cho ếch. Ông thường bỏ tỏi vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi trộn vào thức ăn. Nhờ vậy, đàn ếch hàng nghìn con của ông luôn tránh được các bất trắc thời tiết, dịch bệnh, sinh trưởng tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Táo bạo, dám làm, chăm tìm tòi, nghiên cứu cái mới, ông Tùng đã trở thành gương sáng về nông dân thoát khó làm giàu. Ông còn nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm của mình cho bà con trong xã và các huyện lân cận. Nhiều hộ gia đình nắm bắt được phương pháp đã tiến hành nuôi ếch lồng trên chính những ao hồ bỏ hoang của nhà mình, nhờ đó, sớm có nguồn thu khấm khá hơn so với nghề làm nông truyền thống.
Không thỏa mãn với những gì đã đạt được, ông Tùng chia sẻ, trong năm tới sẽ mở rộng diện tích mô hình chăn nuôi lên khoảng 300 - 400 m2 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài ra, ông còn có dự định khăn gói sang Thái Lan để nghiên cứu phương pháp nuôi ếch đá. Nếu nuôi thử thành công, dự kiến loài ếch này sẽ cho thu nhập cao hơn gấp vài lần so với ếch thường và đem lại bước phát triển mới trong quy trình phát triển kinh tế của gia đình ông.
.