Kinh tế xã hội

Nghịch lý chuyện… con bò sữa!

15:24, 20/01/2015 (GMT+7)
Câu chuyện về con bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng mấy ngày nay đang khiến nhiều hộ chăn nuôi hoang mang và dư luận không khỏi băn khoăn về những nghịch lý đang phát lộ rõ dần trong ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta.
 
Xuất phát từ việc hàng loạt hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương - nơi được mệnh danh là "thủ phủ" của ngành bò sữa tỉnh Lâm Đồng đang lâm cảnh nợ nần do sữa làm ra không bán được, thậm chí sữa vắt ra đem chia cho hàng xóm, thừa thì cho bê uống, "cực chẳng đã" còn đem đổ đi, đem tưới cho cây, thậm chí... có người bức xúc còn đổ ngay trước điểm thu mua khi bị khống chế về số lượng. Những sự việc này đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
 
Chia sẻ với báo giới, ông Trịnh Văn Trọng ở thôn 2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) buồn rầu cho biết: "Thấy nghề nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định, tôi đánh liều cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng 300 triệu để đầu tư. Đến nay, đàn bò 12 con của tôi một nửa đã cho sữa. Hiện mỗi ngày, tôi thu gần 100 lít sữa. Do chưa ký được hợp đồng với công ty sữa nào nên hàng ngày, tôi phải mang sữa bán cho các cơ sở làm sữa chua với giá trên dưới 5.000 đồng/lít nhưng vẫn cứ bị họ chê ỏng chê eo. Có hôm ế ẩm quá phải mang về cho không hàng xóm, nhưng rồi cũng không ai nhận, đành phải đổ bỏ".
 
Còn bà Trần Thị Liễu ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) thì than thở: "Dốc hết vốn liếng, nhà tôi mua 2 con bò sữa giá 160 triệu đồng, những mong được "đổi đời". Nào ngờ, nay bò bắt đầu cho sữa, chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng sữa không thể tiêu thụ được nên tôi đành kêu người bán bò để mong thu hồi lại chút vốn mà vẫn không tìm được người mua”.
 
Như chúng ta đã biết, tỷ lệ người dân Việt Nam uống sữa thuộc diện thấp nhất trong khu vực, chứ chưa so sánh xa xôi. Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2010, trung bình mỗi người dân Việt Nam uống 15 lít sữa nước/năm, đến năm 2015 tăng lên khoảng 21 lít, còn rất thấp so với các nước trên thế giới, chẳng hạn như: Trung Quốc 25 lít/năm, Thái Lan 34 lít/năm,... Một thực tế khác, ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của nước ta, ngay lứa tuổi có nhu cầu uống sữa cao như trẻ em, song do điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc được uống sữa hàng ngày còn là việc quá xa xỉ. Hàng năm, các tổ chức từ thiện thường xuyên phát động nhiều hoạt động thiện nguyện lên vùng cao, miền núi, trong đó tiêu biểu là các chương trình phát miễn phí từng ly sữa cho trẻ em nghèo. Có thể nói, nhu cầu uống sữa của các trẻ em vùng khó khăn mới chỉ dừng ở cấp độ... “thưởng thức”.
 
Đây thực sự là một nghịch lý đến bi hài khi mà người ta liên tưởng đến cái cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”!
 
Người dân bức xúc vì bị khống chế số lượng nên đổ sữa lênh láng ra rãnh đường ngay tại điểm thu mua
Người dân bức xúc vì bị khống chế số lượng nên đổ sữa lênh láng ra rãnh đường ngay tại điểm thu mua
 
Có thể nói, ngành chăn nuôi bò sữa là một ngành mới mẻ so với các ngành nghề khác trong lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp của Việt Nam. Thị trường sữa Việt Nam được coi như “miền đất ngọt ngào” cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa và trong đó có cả người nuôi bò sữa. Và đồng thời, nước ta cũng đang là “miền đất hứa” của nhiều tập đoàn, công ty kinh doanh sữa và sản phẩm từ sữa nước ngoài. Vậy mà ...
 
 
Về những bất cập này, ông Ngô Minh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Dalat Milk đã giải thích với báo giới rằng: Công suất tối đa của nhà máy chế biến sữa của công ty chỉ là 4 tấn sữa mỗi ngày. Nhưng mấy ngày qua, có ngày, chúng tôi buộc phải thu mua đến những 9 tấn nên gây quá tải, khiến công ty bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế, bởi sữa thu mua không thể bảo quản lâu được. Vì vậy, người dân cũng phải thông cảm cho sức tải có hạn mức của doanh nghiệp.
 
Chỉ cách đây hơn một năm (2013), chúng ta vẫn phải nhập khẩu đến 70% lượng sữa tươi phục vụ cho nhu cầu tăng cường sức khỏe cho người Việt Nam, lẽ ra, ngành nuôi bò sữa phải hứa hẹn nhiều khả quan và tiềm năng lớn, thì nay làm được ra sữa rồi lại đem đổ đi, chẳng khác nào sự thừa nhận chúng ta đang bị thua cuộc ngay trên sân nhà. Và phải chăng, những sự “ngọt ngào” nào đó vẫn chỉ ở dạng... tiềm năng để cho đối thủ ngoại tìm cơ hội vào khai thác. Qua việc này cũng bộc lộ sự bất cập, thiếu đồng bộ trong quy trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đến sữa thành phẩm của Việt Nam.
 
Việc thừa sữa đổ đi cũng còn có một nguyên nhân khác. Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương phân tích: "Đạ Ròn nói riêng và huyện Đơn Dương nói chung là nơi đàn bò sữa trong dân phát triển quá nhanh, phát triển ngoài tầm kiểm soát của địa phương…”.
 
Được biết, kế hoạch phát triển đàn bò sữa của xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) đến năm 2015 phấn đấu đạt 1.500 con, năm 2020 nâng lên 2.000 con. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đã đạt trên 2.000 con và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân ban đầu của hiện tượng trên được nhận định do sự chủ quan, đầu tư tự phát của người chăn nuôi, khiến ngành chăn nuôi bò sữa của địa phương bị mất kiểm soát.
 
Mặt khác, dù vốn đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận đem lại từ nghề nuôi bò sữa lại rất cao. Do vậy, nhiều hộ chăn nuôi đã không ngần ngại đổ hết vốn liếng, thậm chí vay ngân hàng để tậu bò sữa và nhanh chóng nhân đàn. Vì thế, thời điểm "sốt” giá, mỗi con bò sữa có giá từ 70-100 triệu đồng/con, nhưng vẫn nhiều người mua. Đến nay, khi gây dựng được đàn bò và chúng bắt đầu cho sữa thì đầu ra bế tắc!
 
Bi hài thay, khi những con bò sữa giá cả trăm triệu, nay càng nuôi lại càng thua lỗ, vì phải bù chi phí thức ăn, nhân công, lãi suất ngân hàng,… Và người chăn nuôi sẽ vướng nợ nần, phá sản như một tất yếu! 
 
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, số hộ có nuôi bò nhưng không "khai báo" chắc chắn là còn nhiều. Theo số liệu thống kê được từ các hộ đã "khai báo" thì hiện cả tỉnh có hơn 200 hộ nuôi bò sữa với khoảng 1.000 con bò chưa được ký hợp đồng với các công ty sữa, nên đang xảy ra tình trạng phải bán đổ, bán tháo sữa bò. 
 
Như vậy, một câu hỏi lớn đặt ra rằng: Trách nhiệm “tư lệnh ngành” chăn nuôi của địa phương ở đâu trong nhiệm vụ định hướng, kiểm soát suốt quá trình manh nha, hình thành phong trào nuôi bò sữa ồ ạt, tự phát, để rồi làm dư thừa nguyên liệu sữa không bán được? Và hẳn có cơ sở khi nói về nghịch lý khó hiểu rằng, hiện trong nước ta không ít nhà máy sữa thì vẫn phải nhập nguồn nguyên liệu sữa từ nước ngoài, còn nguồn nguyên liệu trong nước làm ra thì thừa đổ đi.
 
Thiết nghĩ , từ vụ việc trên, các cơ quan chức năng liên quan cần có những động thái kịp thời để giải quyết những bất cập đang đặt ra, không chỉ riêng của Lâm Đồng mà còn ở một số địa phương khác để tránh tình trạng lãng phí, mất định hướng sản xuất.
 
Các ban, ngành chức năng cần có sự định hướng rõ ràng cho người chăn nuôi, thay đổi phương thức làm ăn, không nên chạy theo phong trào tự phát vì xác xuất thành công là rất nhỏ. Bên cạnh đó, cần tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp sữa và người chăn nuôi, cùng chung sức tìm bài toán đầu ra cho bò sữa.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác