(Congannghean.vn)-Khu di chỉ khảo cổ Cồn Điệp thuộc địa bàn xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), được công nhận là di chỉ tiêu biểu cho thời đại đá mới. Từ những năm 1960, các đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ này và tìm được hàng trăm hiện vật quý chứng minh sự có mặt của người Việt cổ với nền văn hóa cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm trước Công nguyên. Thế nhưng, hiện nay, Khu di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp vẫn đang bị bỏ hoang và biến thành bãi rác.
Với những giá trị quý báu mà di chỉ khảo cổ này còn lưu giữ, vào năm 1997, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và huyện Quỳnh Lưu có trách nhiệm bảo vệ khu di chỉ này. Thế nhưng, do nhu cầu họp chợ, thông thương của người dân, UBND xã Quỳnh Văn đã cho xây chợ kiên cố với hàng trăm ki-ốt ngay trên khu di chỉ. Việc xây chợ đã xâm hại nặng nề đến di chỉ, bởi trong quá trình xây dựng, người ta đã cho đào bới, san ủi Cồn Điệp. Một khối lượng lớn vỏ sò, điệp cũng bị đào lên. Mặc dù, UBND huyện đã yêu cầu đình chỉ việc xây dựng, nhưng chợ vẫn được hình thành, dẫn đến nguy cơ khu di chỉ bị xóa sổ. Ngoài ra, người dân xung quanh khi làm nhà cũng đã đào trộm sò, điệp để về làm vật liệu.
Ông Hồ Minh Kiều, cán bộ phụ trách văn hóa xã Quỳnh Văn cho biết: Ngay từ năm 1930, một nhà khảo cổ người Pháp đã đến đây khảo cứu và phát hiện đây là một di chỉ quý. Từ những năm 1960, một số cuộc khai quật khảo cổ nữa cũng được tiến hành và phát hiện thêm nhiều hiện vật quý thể hiện chứng tích về một nền văn hóa tồn tại cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm. Khoảng năm 1974, xuất hiện việc họp chợ ở đây, ngoài ra, người dân còn đào lấy sò, điệp để đóng gạch làm nhà khiến cho di chỉ bị biến dạng nhiều.
Mặt tiền của Khu di chỉ khảo cổ Cồn Điệp trở thành bãi rác |
Trước thực trạng di chỉ khảo cổ bị xâm hại và biến đổi do hoạt động mua bán của người dân, vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho xã Quỳnh Văn xây dựng chợ Vân ở địa điểm mới tại thôn 9, với tổng đầu tư 25 tỉ đồng, diện tích 1 ha, là chợ nông thôn loại 2 (2 tầng). Đến năm 2011, xã tiến hành quy hoạch và xây dựng chợ. Tháng 2/2014, công trình chợ Vân mới được hoàn thành. Toàn bộ hoạt động kinh doanh buôn bán của tiểu thương được chuyển xuống khu chợ mới, trả lại mặt bằng và hiện trạng khu di chỉ khảo cổ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Đôn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho hay: Để bảo tồn và gìn giữ di chỉ khảo cổ Cồn Điệp, ngay khi chuyển chợ mới, UBND xã đã khởi công xây dựng công trình tường bao để bảo vệ, tôn tạo Khu di chỉ và ngăn chặn người dân đào trộm vỏ sò, vỏ điệp. Công trình do UBND tỉnh đầu tư gồm các hạng mục: Tường bao, cổng chính, bia dẫn tích có trị giá khoảng 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo quan sát thì hiện nay, công trình tường bao bảo vệ công trình còn dang dở, chưa có cổng chính che chắn, xã cũng chưa cử người trông coi cho nên mặt tiền của di chỉ khảo cổ bỗng nhiên biến thành nơi tập kết rác thải. Cá biệt, một số hộ dân sống xung quanh còn lợi dụng trồng cây, rau màu và lấn chiếm hành lang để tập kết hàng hóa trên khu di chỉ khảo cổ, gây mất cảnh quan nơi đây.
Thiết nghĩ, để phát huy giá trị của khu di chỉ khảo cổ này, các cấp chính quyền cần phối hợp với cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý nghiêm các vi phạm, lập lại trật tự cảnh quan cho Khu di chỉ. Đặc biệt, cần có phương án đầu tư xứng đáng để bảo vệ, trùng tu một cách hiệu quả và lâu bền.
.