Để kiểm soát tình trạng gian lận thương mại về chất lượng cá tra, các DN đồng tình kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định bắt buộc về việc DN phải ghi trọng lượng tịnh và hàm lượng nước bổ sung vào phi lê cá tra trên nhãn hàng hóa.
Sau cuộc họp sáng 19/1, cộng đồng doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã có công văn xin phép được làm việc với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phản ánh về sự bất hợp lý của Nghị định 36 liên quan đến tỷ lệ mạ băng và cấp đông của sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu.
Công văn số 14 do Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiêm Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt VASEP Dương Ngọc Minh ký, nêu rõ, sau khi tổng hợp ý kiến của các DN hội viên, cộng đồng cá tra Việt Nam tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bỏ các quy định về mức chất lượng, cụ thể là tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% và hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm đối với cá tra phi lê xuất khẩu.
Để kiểm soát tình trạng gian lận thương mại về chất lượng cá tra, các DN đồng tình kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định bắt buộc về việc DN phải ghi trọng lượng tịnh (không mạ băng) và hàm lượng nước bổ sung vào phi lê cá tra (tham khảo quy định của Liên minh châu Âu từ 13/12/2014) trên nhãn hàng hóa.
Theo các DN, tỷ lệ khách mua sản phẩm phi lê cá tra hàm lượng ẩm 82-83% là rất ít |
Đồng thời, các DN cũng đề xuất bỏ quy định về việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu, xác nhận hợp đồng xuất khẩu và quy định về phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra. Bởi, đây thực chất là thêm một thủ tục hành chính, gây mất thời gian, chi phí và làm phiền hà cho DN.
Các doanh nghiệp một lần nữa được xin làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong tháng 1 này để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc do Nghị định 36/2014/NĐ-CP gây ra.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hoãn thi hành Nghị định này đến 1/1/2016.
Đây là lần thứ hai các doanh nghiệp VASEP có công văn gửi lên Thủ tướng "kêu cứu" về những nội dung bất hợp lý tại Nghị định 36, trong đó có quy định về tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% và hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm đối với cá tra phi lê xuất khẩu, giải tỏa căng thẳng và ách tắc cho doanh nghiệp cá tra.
Theo các doanh nghiệp, hầu hết các thị trường đang nhập khẩu mặt hàng cá tra Việt Nam đều không có quy định cụ thể về giới hạn mạ băng mà các nhà nhập khẩu mua hàng theo yêu cầu thị trường nhập khẩu và định hướng kinh doanh của riêng họ. Ngay cả thị trường EU, khách hàng mua cũng đa dạng về tỷ lệ mạ băng: 10%, 15%, 20%,... .
Nhìn chung, thị trường vẫn chưa thể chấp nhận ngay qui định tiêu chuẩn mạ băng 10% do ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán và là một sự thay đổi đột ngột trong tập quán mua bán tại các thị trường nhập khẩu. Việc này sẽ gây tác động xấu đến doanh số bán hàng của khách mua nhập khẩu cũng như doanh nghiệp Việt Nam.
Chẳng hạn, theo đại diện công ty Cadovimex 2, giá mua bán cá tra hiện vẫn còn thấp (theo tiêu chuẩn độ ẩm 86% chỉ 2,45-2,5 USD/Kg), nếu tăng giá tương ứng độ ẩm 83% (từ 2,5 lên 2,8-2,9 USD/kg) sẽ rất khó cạnh tranh với khách hàng khác trong lúc đang còn tồn kho số lượng lớn với giá thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác, thị phần cá tra phi lê sẽ bị thu hẹp. Ngoài ra, tình trạng lộn xộn, gian lận về độ ẩm khi xuất khẩu sẽ xảy ra trên chứng từ kiểm hàng mà giá bán vẫn thấp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở làm đúng quy định.
.