(Congannghean.vn)-Liên tiếp trong thời gian gần đây, giá xăng, dầu giảm đáng kể đã giúp cho người dân giảm bớt gánh nặng về chi phí. Cũng chung niềm vui ấy, động thái xăng, dầu “hạ nhiệt” đã giúp ngư dân giảm áp lực đầu tư chi phí trước mỗi chuyến ra khơi, có thêm động lực để yên tâm bám biển dài ngày.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có khoảng trên 4.200 tàu thuyền, trong đó trên 1.000 tàu thuyền có công suất hơn 90 CV đang tham gia đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Theo tính toán của người dân đi biển, bình quân mỗi tàu thuyền có công suất từ 100 CV trở lên khi ra khơi phải tiếp nhiên liệu xăng, dầu khoảng gần 1.000 lít mới đi được vài ngày để đánh bắt thủy hải sản.
Ngư dân vui mừng khi giá xăng, dầu giảm |
Như vậy, trước kia nếu dầu Diezen 0,05S có giá bán ra là 23.090 đồng/lít thì chi phí mỗi chuyến đi của ngư dân là hơn 23 triệu đồng cho tàu 1.000 CV trở lại. Tuy nhiên, đến ngày 22/11 vừa qua, khi dầu Diezen giảm giá lần thứ 17, chỉ còn 18.650 đồng/lít, ngư dân đã tiết kiệm được gần 5 triệu đồng khi mua 1.000 lít dầu. Tương tự, sau khi giá xăng giảm đến lần thứ 10, ngư dân cũng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho mỗi chuyến ra khơi. Với số lượng tàu thuyền lớn như vậy, lượng tiêu hao xăng, dầu cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân không phải là ít. Vì vậy, việc xăng, dầu liên tiếp giảm trong thời gian qua, ngư dân tham gia đánh bắt thủy, hải sản trên biển rất phấn khởi.
Anh Đào Ngọc Anh, chủ tàu NA 90330TS có công suất 420 CV vui mừng cho biết: Khi giá xăng, dầu chưa giảm, mỗi chuyến ra khơi, tàu chúng tôi phải đầu tư gần 100 triệu đồng mới có thể đánh bắt trên biển khoảng 1 tuần liền ở ngư trường khơi xa được. Nghề đi biển cũng bấp bênh, trông chờ vào may rủi là chính. Nếu đi trúng luồng cá, luồng mực, như tàu của chúng tôi 10 người sau mỗi chuyến ra khơi, mỗi thành viên trên tàu mới có thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng. Nếu chẳng may thất bát thì với chi phí xăng, dầu cao như vậy, có chuyến phải bù lỗ. Tuy nhiên, khi giá xăng, dầu hiện nay giảm liên tiếp, gánh nặng về chi phí đầu tư ban đầu cho tàu cũng giảm bớt áp lực, giúp ngư dân có thêm thu nhập.
Không chỉ riêng tàu anh Đào Ngọc Anh mà hầu hết các tàu trú đậu ở Lạch Quèn cũng có chung niềm phấn khởi khi giá xăng, dầu liên tục giảm. Theo ghi nhận của chúng tôi, với tín hiệu vui mừng này, ngư dân trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có thể yên tâm đầu tư tàu to, thuyền lớn để có thể bám biển dài ngày. Nhiên liệu xăng, dầu đã giảm khiến tâm lý người dân không phải gặp cảnh thấp thỏm lo âu như hồi đầu năm 2014. Công tác hậu cần nghề cá cũng “dễ thở” hơn so với trước. Mặt khác, việc hạn chế ngư trường, thời gian đánh bắt thủy, hải sản trên biển cũng được tháo gỡ. Thay vào đó, nhiều tàu thuyền có công suất lớn lâu nay đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa có thêm động lực để bám biển dài ngày hơn so với thời gian trước khi giá cả xăng, dầu chưa có động thái giảm.
Ông Hồ Ngọc Trung, Chủ tịch Hội nghề cá phường Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn phường có 150 tàu thuyền có công suất từ 400 - 1.200 CV, chuyên khai thác xa bờ với số lượng nhiên liệu tiêu thụ hàng nghìn lít mỗi chuyến ra khơi. Vì vậy, chi phí để đầu tư cho tàu thuyền ra khơi trên địa bàn cũng rất lớn. Từ khi giá xăng, dầu liên tiếp giảm, các chủ tàu thuyền đã phần nào yên tâm mua thêm ngư cụ để bám biển. Kéo theo đó, chi phí dịch vụ cho công tác hậu cần nghề cá trên bờ lẫn trên biển cũng giảm, lãi thu về sau mỗi chuyến ra khơi của ngư dân từng bước tăng lên rõ rệt.
Như vậy, việc giá cả xăng, dầu liên tiếp giảm trong thời gian vừa qua có tác động rất lớn đối với các ngành nghề kinh tế. Việc ngư dân vui mừng khi giá nhiên liệu phục vụ cho tàu thuyền giảm đã phần nào động viên, khích lệ họ mạnh dạn đóng tàu to, thuyền lớn để ra khơi. Tuy nhiên, với việc giá xăng, dầu giảm thì công tác liên kết, phối hợp các tổ nghề cá tham gia đánh bắt chung trên biển cần được nâng cao hơn nữa nhằm tiết kiệm nhiên liệu là điều cần thiết.
.