Kinh tế xã hội
Lương đi làm 'hại' lương hưu
Lương của cán bộ công chức, viên chức do ngân sách nhà nước trả không đủ sống. Lương của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp thì đang bị liệt vào nhóm thấp nhất ASEAN, không đảm bảo mức sống tối thiểu và đang là một trong những cản trở trên con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Lương thấp, mức đóng BHXH thấp, còn bị doanh nghiệp chậm đóng, nợ BHXH dẫn đến tình trạng người lao động đến tuổi nghỉ hưu, mà cơ quan BHXH không thể giải quyết chế độ hưu trí. Đóng BHXH với mức lương thấp, người lao động khi về hưu đối diện với mức lương hưu thấp duới mức sống tối thiểu. Đây là những tồn tại mà nếu không khắc phục ngay sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội. Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này của Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, xung quanh câu chuyện này.
PV: Việc dành 11 tỷ ngân sách để tăng lương cho các đối tượng khó khăn chỉ là một giải pháp tình thế, chứ chưa giải quyết được vấn đề căn bản của tiền lương, là nguồn thu nhập chính. Theo ông, để giải bài toán này trong tình hình thực tế bộ máy hành chính cồng kềnh ở Việt Nam, cần giải quyết vấn đề gì?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tiền lương của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 70% mức sống tối thiểu. Đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách, dù đã có lộ trình đến năm 2016 phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do ngân sách khó khăn cũng phải giãn lộ trình cải cách tiền lương.
Vấn đề đáng quan tâm là năng suất lao động thấp, thì không có cơ sở tăng lương, trong khi 10 năm qua chúng ta đã 7 lần điều chỉnh mức tiền lương cơ sở, nhưng chưa giải quyết được nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Giải pháp căn cơ hơn, theo tôi đồng hành với đầu tư phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn, cần phải có các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả công tác, tăng năng suất lao động, trên cơ sở tinh giản bộ máy quản lý hành chính. Phân định rõ khu vực sự nghiệp công lập và khu vực quản lý Nhà nước, theo hướng khu vực sự nghiệp phải được tính đúng tính đủ chi phí và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để cơ sở lựa chọn phương thức tổ chức hoạt động tối ưu. Khu vực Nhà nước phải được tổ chức sắp xếp, bố trí theo vị trí việc làm, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Trên cơ sở đó mới có điều kiện cải cách chính sách tiền lương, để mỗi người có thể sống được với đồng lương thực sự của mình. Tuy nhiên, bàn tới việc này trong bối cảnh bộ máy vẫn cồng kềnh, phình lớn như hiện nay là quá khó, bất khả thi.
PV: Mức lương tối thiểu áp dụng cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp có quyết định tăng lên gần 15% vào năm 2015, nhưng các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận thấy rất nhiều lỗ hổng. DN dựa vào mức lương tối thiểu để đóng BHXH cho người lao động, dẫn đến nguy cơ khi về hưu, người lao động sẽ có mức lương hưu thấp dưới mức sống tối thiểu?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Trong các nền kinh tế chuyển đổi hướng tới nền kinh tế thị trường, hoặc có thể khi mà các ngành công nghiệp và các kỹ năng cần thiết chưa quá đa dạng, hoặc trong trường hợp năng lực thương lượng tập thể còn thấp, phụ thuộc vào mức lương tối thiểu là có thể giải thích được. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển phức tạp hơn, người lao động và người sử dụng lao động phải bắt đầu đàm phán về tiền lương. Điều này phản ánh năng suất và hiệu suất khác nhau giữa các ngành công nghiệp và những người lao động khác nhau. Chính vì thế cần phải xây dựng, nâng cao năng lực thương lượng của người lao động, các cấp công đoàn với giới chủ.
PV: 12 nghìn tỷ đồng nợ BHXH, BHYT đang là một trong những nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, thậm chí qua thanh tra cũng đã phát hiện nhiều trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa được cơ quan BHXH chốt sổ để hưởng chế độ hưu trí. Ai là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Dựa trên mức lương để đóng BHXH, nhiều lao động khi về hưu phải chịu mức luơng quá thấp. |
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH vẫn chưa giảm, còn có chiều hướng năm sau tăng hơn năm trước, là một trong những hạn chế nổi lên mà Ủy ban về các vấn đề xã hội phát hiện thông qua hoạt động giám sát về BHXH hàng năm. Cùng với đó là diện bao phủ còn thấp, mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động và ước tính khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; mới có khoảng 20% dân số trong độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và 60 tuổi trở lên đối với nam) được hưởng lương hưu. Còn một bộ phận lớn người già trong độ tuổi 60 – 80 không có BHXH và không được hưởng bất kỳ một khoản trợ cấp hàng tháng nào. Chính sách BHXH tự nguyện, mặc dù quy định đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên trên thực tế, số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,40% số đối tượng thuộc diện tham gia (173.000).
Điều đáng nói là công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng ngắn, nhưng thời gian hưởng cao do tuổi thọ bình quân tăng nhanh; số người nhận trợ cấp một lần tăng (khoảng 500.000 người/năm); mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động (mới chiếm khoảng 70% thu nhập); quỹ BHXH ngắn hạn kết dư lớn; công tác đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH chưa đạt được mục tiêu đề ra… Trách nhiệm này không chỉ thuộc về BHXH Việt Nam mà còn là của các bộ, ngành liên quan còn thiếu sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên. Luật BHXH (sửa đổi) đã chú trọng khắc phục những hạn chế này.
PV: Chính sách tiền lương có liên hệ mật thiết với việc thực hiện chính sách BHXH. Ông có thể cho biết giải pháp cụ thể được đưa ra trong Luật BHXH để khắc phục những tồn tại trên trong thời gian tới?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói một trong những giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách về BHXH trong thời gian tới, là phải mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH; hoàn thiện cơ chế đóng - hưởng, đảm bảo cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Đặc biệt là phải điều chỉnh công thức tính lương hưu: thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng bình đẳng giữa nam và nữ; thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương, làm căn cứ tính hưởng BHXH theo hướng đảm bảo bình đẳng giữa người lao động ở khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.
Về điều chỉnh lương hưu cần tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH nhằm cải thiện đời sống của người nghỉ hưu và bù đắp trượt giá khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của Luật BHXH, độc lập với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Nguồn: cand.com.vn