Kinh tế xã hội
Hiệu quả từ công tác phối hợp đưa hàng Việt Nam bình ổn giá về nông thôn
(Congannghean.vn)-Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên phối hợp với Công ty TNHH Metro Vina Việt Nam tổ chức đưa một số mặt hàng Việt Nam về huyện nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hội viên, nông dân ở địa phương. Những kết quả tích cực mà chương trình bước đầu mang lại đang từng bước đẩy lùi những hàng hoá kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Người dân tin dùng hàng Việt
Chỉ trong thời gian 1 tháng (từ ngày 28/9/2014 - 28/10/2014), hội viên nông dân của 20 xã, thị trấn của huyện Hưng Nguyên đã mua 973 loại sản phẩm với số tiền lên tới 300 triệu đồng. Trong đó, Hưng Đạo, Hưng Tiến, Hưng Xá, Hưng Thắng là những đơn vị tiên phong đi đầu. Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng phong phú của người dân và điều kiện kinh tế vùng nông thôn, Công ty TNHH Metro Vina Việt Nam đã có chế độ giảm giá, ưu đãi đối với hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và công khai các mặt hàng giảm giá.
Đưa hàng Việt về nông thôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều người dân - Ảnh minh họa |
Đây là lần thứ 2 Công ty phối hợp với Hội Nông dân các cấp đưa hàng Việt bình ổn giá về tận nông thôn. Sau một thời gian sử dụng sản phẩm, hầu hết người dân đều có chung nhận định: Hàng Việt đa dạng về chủng loại, hình thức, mẫu mã và phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Điều đặc biệt là hầu hết các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi sự rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, nguồn cung ứng nguyên liệu, đem lại sự an tâm cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Hưng Nguyên cho biết: Cách đây vài tháng, gia đình tôi đã dần từ bỏ thói quen mua sắm đồ dùng, vật dụng xuất xứ Trung Quốc. Gần đây, qua một thời gian sử dụng bộ xoong nồi Việt Nam, tôi thấy chất lượng rất tốt, không bị hoen rỉ. Ngoài ra, theo nhiều người dân, mặc dù công tác vận chuyển khó khăn nhưng các chủng loại hàng hóa, sản phẩm rất đa dạng và phù hợp với túi tiền, từ hàng bình dân đến hàng cao cấp…
Thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng
Có thể thấy, kết quả nổi bật nhất của việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Hưng Nguyên là phong trào sử dụng hàng Việt thật sự thấm sâu vào tiềm thức người dân. Đại diện Ban chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh khẳng định, thực hiện cuộc vận động, các ngành chức năng, địa phương đã có sự phối hợp nhịp nhàng. Cụ thể, khối Mặt trận và đoàn thể chính trị các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Thông tin kinh tế tổ chức tốt hàng chục phiên chợ về nông thôn.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tích cực hưởng ứng các đợt đưa hàng về nông thôn, các chuyến hàng lưu động đến vùng xa, vùng nông thôn, qua đó đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân. Theo chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên, trước đây, khi mua các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tâm lý mua sắm của người dân địa phương là ưu tiên các hàng hoá giá rẻ, mẫu mã đẹp, không chú ý đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, từ khi địa phương triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người dân được tuyên truyền về hàng Việt nên đã nâng cao nhận thức trong tiêu dùng hàng ngày. Đặc biệt, tham gia phiên chợ hàng Việt đã giúp cho người dân nhận biết thêm nhiều thương hiệu sản phẩm hàng Việt chất lượng cao, từ đó có sự lựa chọn phù hợp, tránh sử dụng các hàng hoá chất lượng kém.
Triển khai nhiệm vụ này, Hội Nông dân Hưng Nguyên đang góp phần thực hiện mục tiêu đề án của Bộ Công thương, đến năm 2015, tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn lên trên 70%, phát triển thị phần trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chương trình “Đưa hàng về nông thôn” là một sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, với mục đích đưa hàng Việt “chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả mềm” đến tay các “thượng đế” ở nông thôn.
Thông qua các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn đã và đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, thực sự tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, nhận thức đúng đắn hơn chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Hồng Hạnh