Kinh tế xã hội
174.000 sinh viên thất nghiệp, và 'bài toán' việc làm
08:14, 08/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo số liệu thống kê, quý III năm 2014, cả nước có 174.000 lao động đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Riêng tại Nghệ An, hiện nay có tới 4.000 cử nhân đang thất nghiệp hoàn toàn, 8.000 người đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ đang thiếu việc làm, chấp nhận làm trái ngành, nghề để trang trải cuộc sống. So với số liệu thống kê trong quý II là 162.000 người thì chỉ trong vòng 3 tháng, số cử nhân thất nghiệp đã tăng tới 12.000 người. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tiếp theo.
Cử nhân giấu bằng để đi làm
Trung bình mỗi năm có trên 800.000 sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và họ đều có nhu cầu tìm việc làm. Ông Đinh Xuân Lâm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, mỗi năm theo nhu cầu của các đơn vị, toàn tỉnh chỉ tuyển dụng 150 công chức và khoảng gần 2.000 viên chức, trong khi đó số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường rất đông. Không có việc làm buộc họ phải chấp nhận làm trái ngành, nghề, thậm chí chật vật mưu sinh kiếm sống. Nhiều cử nhân chấp nhận đi làm công nhân, bảo vệ, ô-sin…
Tình trạng cử nhân thất nghiệp tăng cao, học nghề là phương án được nhiều bạn trẻ lựa chọn |
Chị Trần Thị Nga, quê ở huyện Thanh Chương, tốt nghiệp Trường Đại học Vinh với tấm bằng loại khá, đã gần 2 năm nhưng vẫn đang loay hoay tìm việc làm. Để có tiền trang trải cuộc sống, buổi sáng Nga đi làm thuê, phục vụ ở quán ăn, buổi chiều giúp việc theo giờ cho chủ nhà. Hàng ngày, Nga vẫn tìm kiếm thông tin tuyển dụng và gõ cửa các doanh nghiệp, tuy nhiên, ở đâu Nga cũng nhận được cái lắc đầu. Đi làm thuê một thời gian, Nga xin nghỉ để vào miền Nam tìm việc làm nhưng chỉ sau một tuần, cô gái lại phải khăn gói trở về quê.
Anh Nguyễn Hoàng Trung, thợ sửa chữa xe máy ở phường Quán Bàu, TP Vinh cũng mất hơn 2 năm cầm tấm bằng đại học sư phạm đi xin việc. Chị Nga, anh Trung chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm nghìn cử nhân đang làm việc trái ngành, thậm chí chấp nhận đi làm thuê, phục vụ để kiếm sống. Để có việc làm, nhiều sinh viên đã phải giấu bằng đại học, xin vào làm ở các khu công nghiệp, xí nghiệp ở địa phương, thậm chí quay lại học nghề.
Phiên họp Quốc hội ngày 19/11 “nóng” hơn bao giờ hết khi Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến đào tạo lao động, giải quyết việc làm… Bộ trưởng đã nêu ra những nguyên nhân của tình trạng này: Thứ nhất, do tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, dẫn đến việc các doanh nghiệp phá sản, giải thể nên tiếp nhận và sử dụng lao động hạn chế. Thứ hai, do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là đào tạo tay nghề chất lượng cao. Thứ ba, giữa đào tạo với thị trường chưa gắn kết đồng bộ.
Việc các trường đại học, cao đẳng mọc lên và ồ ạt tuyển sinh khiến cho số lượng sinh viên ngày càng đông. Trong khi đó, số tiền mà sinh viên và phụ huynh phải bỏ ra trong mấy năm học đại học là không hề nhỏ, ước tính lên tới 200 triệu đồng, điều này dẫn đến tình trạng lãng phí về cả tài chính lẫn nhân lực. 2 năm trở lại đây, dường như nắm bắt được tình hình thực tế, nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông đã không đăng ký thi đại học, cao đẳng mà thi vào các trường dạy nghề, thậm chí có người thi đỗ đại học nhưng lại bỏ dở ước mơ để học nghề.
Điều này lý giải nguyên nhân số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2014 giảm đến 30%. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh các trường dạy nghề ở Nghệ An lại đủ, thậm chí vượt chỉ tiêu. Lý giải về tình trạng này, bà Hồ Thị Châu Loan, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký vào các trường dạy nghề tăng cao.
Điều này cũng khá dễ hiểu vì thực tế hiện nay, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp rất cao, thậm chí nhiều người học đại học xong lại quay lại học nghề vì không xin được việc làm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng lao động tại các khu công nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn lại tương đối cao. Em Chu Thị Hải, học sinh nghề may thời trang, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Bắc Nghệ An thi đậu khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế với số điểm 24, nhưng em đã không học mà quyết định đi học nghề. “Hiện nay, nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm, chị gái em là một ví dụ. Trong khi đó, học nghề lại tiết kiệm được thời gian và chi phí, cơ hội xin việc làm cũng cao hơn nên em đã quyết định chọn học nghề”, Hải chia sẻ.
Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để lập nghiệp, nhưng không phải ai cũng nhận ra điều này như em Hải và lựa chọn được ngành nghề phù hợp với điều kiện cũng như năng lực của mình. Trong khi việc làm vẫn đang là vấn đề nan giải của các sinh viên và đang mong mỏi những phương án giải quyết, hỗ trợ việc làm từ các cơ quan chức năng, thì đối tượng thanh niên cần xác định những ngành nghề phù hợp nhu cầu thực tế của xã hội.
Huyền Thương