Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất một số quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Bộ Tài chính cho biết, về thuế đối với cá nhân kinh doanh, tại khoản 1 và khoản 4 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 quy định cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế TNCN; đồng thời quy định cụ thể việc thu thuế đối với cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Quy định thu thuế trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh là nội dung thay đổi căn bản về phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh.
Căn cứ quy định của Luật, Bộ Tài chính đã thể hiện nội dung quy định của Luật tại Khoản 1, Khoản 7 Điều 2 dự thảo Nghị định quy định về thuế đối với cá nhân kinh doanh; đồng thời để đảm bảo minh bạch, đơn giản cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về việc xác định doanh thu tính thuế, đồng thời cũng bổ sung nguyên tắc quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp và phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ để nộp thuế kê khai theo quy định về quản lý thuế. Đối với cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí... đủ điều kiện về công nghệ thông tin phải nối mạng với cơ quan thuế để cơ quan thuế kiểm soát doanh thu.
Cụ thể, theo dự thảo, cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Trường hợp cá nhân có thu nhập từ kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì nộp thuế theo tỷ lệ áp dụng đối với lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính do cá nhân kinh doanh tự khai và xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế suất đối với thu nhập từ kinh doanh đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau: Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2% (Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp: 5%); sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%; hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Bổ sung quy định miễn thuế TNCN
Khoản 2 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định bổ sung 2 trường hợp miễn thuế TNCN gồm: Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; và thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.
Để phù hợp với quy định của Luật số 71/2014/QH13, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế và thu nhập của các cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.
Thuế TNCN với các khoản đóng góp bảo hiểm nhân thọ
Bộ Tài chính cho biết, hiện hành, theo quy định tại Nghị định 65/2013/NĐ-CP thì thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của cá nhân bao gồm cả các khoản lợi ích nhận được từ người sử dụng lao động dưới mọi hình thức, trong đó bao gồm khoản tiền phí tích lũy mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động. Cá nhân chưa phải nộp thuế TNCN khi doanh nghiệp đóng góp tiền phí bảo hiểm mà khi cá nhân nhận quyền lợi bảo hiểm (tiền bảo hiểm, tiền lương hưu) thì doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% đối với khoản tiền phí tích lũy, tiền tích lũy đóng góp quỹ tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động.
Đối với khoản cá nhân tự đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện thì cá nhân được trừ không tính vào thu nhập chịu thuế tối đa 1 triệu đồng/tháng.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định về thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động không vượt mức 3 triệu đồng/tháng.
Do vậy, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân như sau: Khoản tiền đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động vượt trên 3 triệu đồng tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân; trường hợp người lao động tự đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì mức tối đa được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế tối đa cũng không quá 3 triệu đồng/tháng (tính cả phần do người sử dụng lao động mua, đóng góp cho người lao động).
Khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác mà có tích lũy phí do người sử dụng lao động mua cho người lao động thì cá nhân chưa phải nộp khi mua mà nộp khấu trừ tại nguồn khi nhận quyền lợi bảo hiểm tại thời điểm đáo hạn hợp đồng do doanh nghiệp bảo hiểm khấu trừ (trừ trường hợp mua của doanh nghiệp thành lập và pháp luật nước ngoài nhưng được phép bán bảo hiểm vào Việt Nam thì khoản tiền phí bảo hiểm do chủ sử dụng lao động mua là thu nhập chịu thuế của cá nhân tại thời điểm mua bảo hiểm).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
.