Luật Nhà ở (sửa đổi) với điều khoản cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đang được thị trường đón nhận một cách tích cực. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng đây sẽ là nguồn lực lớn góp phần phát triển thị trường BĐS trong tương lai.
Mở rộng điều kiện cho phép người nước ngoài mua nhà là “cú hích” để thị trường BĐS tại Việt Nam phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. |
Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điều khoản quan trọng được bổ sung và sửa đổi. Một trong những nội dung đáng chú ý trong đó là việc mở rộng cửa cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Cụ thể, ngoài 2 nhóm là “tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam” và “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, Luật Nhà ở bổ sung đối tượng được phép mua nhà tại Việt Nam là các “cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam”.
Luật cũng quy định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm: Căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ, hoặc xây dựng nhà ở trên đất nền trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ…
Nhiều tác động tích cực
Việc mở rộng điều kiện cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đang được thị trường, cũng như giới chuyên gia đón nhận một cách tích cực.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, việc mở cửa cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam có thể coi là hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ. Đây chính là bước đột phá, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Châu cho rằng sự điều chỉnh lần này không những sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số ngành nghề liên quan khác như tài chính, vật liệu xây dựng, thiết kế nội thất…, đồng thời cũng góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động trong nước. Về lâu dài, việc này sẽ làm tăng tổng cầu cho thị trường BĐS do có thêm một lượng lớn khách hàng mới, đặc biệt là tại thị trường thứ cấp - nơi diễn ra các hoạt động mua đi/bán lại, từ đó làm cho thị trường BĐS ngày càng sinh động.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành cũng cho rằng, việc cho người nước ngoài mua nhà là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Điều này trước hết sẽ giải quyết nhu cầu về nhà ở của đông đảo người nước ngoài, tạo môi trường thuận lợi để họ yên tâm sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam.
Đối với thị trường BĐS, sự điều chỉnh này sẽ tạo thêm tính thanh khoản cho thị trường, đặc biệt là với những dự án ở khu vực trung tâm thành phố, vì đây là mối quan tâm hàng đầu của đa số người ngoại quốc hiện nay. Bên cạnh đó, việc nới lỏng điều kiện cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở cũng sẽ tạo một nguồn tài chính mới cho thị trường. Dòng tiền mới này sẽ giúp cho thị trường BĐS phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ đầu tư dự án BĐS.
Nhận định Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được thông qua đã chính thức xóa đi những “rào cản” ngăn cách người nước ngoài với thị trường BĐS trong nước, bà Dương Thùy Dung - chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Công ty Tư vấn BĐS CBRE Việt Nam cho rằng, chính sách mới này có thể chưa có tác động ngay lập tức đến thị trường BĐS, nhưng chắc chắn sẽ khiến thị trường phát triển theo hướng tích cực. Trước mắt, việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư - điều đặc biệt cần thiết cho thị trường BĐS tại Việt Nam hiện nay.
Không ảnh hưởng đến thị trường trong nước
Trước một số ý kiến lo ngại chính sách mới có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hoặc khiến người nước ngoài lũng đoạn thị trường nhà đất Việt Nam, kéo giá nhà vượt khỏi tầm tay của người dân lao động, ông Lê Hoàng Châu cho biết, để bảo đảm an ninh quốc phòng, Luật đã có nhiều quy định chặt chẽ như: Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh; chỉ được phép sở hữu nhà ở có thời hạn 50 năm…
Chính sách mới cũng hạn chế tỷ lệ nhà ở người nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà…
Vị chuyên gia này khẳng định, với những quy định chặt chẽ như trên, chắc chắn không thể xảy ra chuyện người nước ngoài thâu tóm, lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện dễ dàng cho người nước ngoài mua nhà cũng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước, bởi nhu cầu của họ chủ yếu chỉ tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp (có mức giá từ 3-4 tỷ đồng trở lên).
Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu cơ và tăng nguồn thu ngân sách, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn như: Ưu đãi về thuế cho nhóm đối tượng khách hàng là những người lao động có mức thu nhập thấp, trung bình để họ sớm sở hữu ngôi nhà mơ ước cho riêng mình.
.