Kỳ 1: Nợ đọng bảo hiểm xã hội - Bao giờ chấm dứt?
(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển kinh tế là sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH với số tiền lớn đang nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi trên thực tế, mặc dù thực trạng này đã được quan tâm giải quyết, song giải pháp có tính khả thi để xử lý nợ đọng bảo hiểm đến nay vẫn là một “bài toán” nan giải.
Nhiều doanh nghiệp nợ lớn, nợ lâu
Theo thống kê, đến cuối tháng 10/2014, Nghệ An có 33 DN nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên, với số tiền 63,072 tỉ đồng (giảm 324 đơn vị và 35,92 tỉ đồng so với thời điểm cuối tháng 9), trong đó có 20 DN nợ trên 1 tỉ đồng.
DN có số tháng nợ BHXH nhiều nhất là Công ty CP Công nghiệp ôtô Trường Sơn (83 tháng; 1,44 tỉ đồng); DN có số tiền nợ lớn nhất là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24 (hơn 9,7 tỉ đồng; 45 tháng). Trong danh sách các cơ quan, đơn vị nợ BHXH bắt buộc từ 3 tháng trở lên (tính đến 30/9/2014), có đơn vị số tiền nợ tuy không nhiều nhưng có số tháng nợ dai dẳng.
Chế tài xử phạt nhẹ khiến nhiều DN chây ì đóng BHXH cho người lao động - Tranh minh họa |
Đơn cử như trường hợp Công ty Cổ phần Truyền thông Thương mại Việt Nam với số tiền nợ hơn 43 triệu đồng, nhưng thời gian nợ lên tới gần 6 năm (68 tháng), Công ty CP Hồng Phúc (nợ 82 tháng, số tiền hơn 74 triệu đồng), Công ty CP Sản xuất và Thương mại Vạn Thiên Tùng (nợ 58 tháng, hơn 45 triệu đồng)… Nhiều đơn vị có số tháng nợ đọng kéo dài với số tiền nợ đọng hàng tỉ đồng (Công ty CP Xây dựng 16 Vinaconex (nợ 23 tháng, gần 4 tỉ đồng), Công ty Công trình Giao thông miền Trung (nợ 57 tháng, hơn 2 tỉ đồng)…
Doanh nghiệp “gặp khó”?
Qua tiếp cận một số DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, khi lý giải về nguyên nhân của thực trạng nợ đọng BHXH, câu trả lời chung nhất là: Do nền kinh tế suy thoái dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Trên thực tế, “vấn nạn” này hiện tập trung chủ yếu ở một số DN thuộc các ngành xây dựng, cầu đường, cơ khí… Đơn cử, theo đại diện lãnh đạo một số công ty cổ phần xây dựng, do các công trình thi công chậm thu hồi vốn hay tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều hợp đồng về lĩnh vực giao thông, xây dựng nói chung không ký được đã khiến nhiều DN gặp khó.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, bên cạnh nguyên nhân bối cảnh kinh tế khó khăn dẫn tới nhiều đơn vị, DN làm ăn thua lỗ, phá sản thì việc chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ) là căn nguyên sâu xa dẫn tới tình trạng nhiều DN “quên” và chây ì đóng BHXH. Cùng với tình trạng trốn đóng BHXH, một vấn đề nan giải khác liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ đang bị các DN lợi dụng, đó là việc DN “lách luật” để giảm bớt mức đóng BHXH.
Theo quy định, DN buộc phải đóng BHXH cho tất cả lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Tuy nhiên, nhiều chủ DN không thực hiện ký kết hợp đồng lao động, hoặc chỉ ký hợp đồng lao động theo thời vụ (dưới 3 tháng) để trốn tránh việc đóng BHXH cho NLĐ. Đây cũng là lý do khiến nhiều DN có số lượng lớn lao động nhưng danh sách lao động được đóng BHXH chỉ có vài người. Mặt khác, hiện nay cũng có nhiều chủ DN chiếm dụng số tiền trích nộp BHXH của NLĐ mà không đóng cho cơ quan bảo hiểm.
Tính đến hết tháng 11/2013, sau khi kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động đối với các DN, Cục Thuế đã thống kê danh sách các DN ngừng hoạt động, ngừng kinh doanh đang nợ thuế. Theo đó, có tất cả 111 DN ngừng hoạt động có nợ thuế (thuộc diện quản lý của Chi cục Thuế TP Vinh). Thực trạng một số đơn vị, DN kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải tuyên bố tạm ngừng kinh doanh, ngừng hẳn kinh doanh, phá sản, giải thể và chấm dứt hoạt động do tình hình kinh tế khó khăn cũng góp phần dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH dây dưa, kéo dài.
Tình trạng nợ đọng BHXH đã và đang diễn ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Nhận thức được thực tế đó, BHXH tỉnh đã nhiều lần đôn đốc cũng như có các văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các đơn vị trong việc thực hiện việc đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ nên tình trạng nợ đọng BHXH đã được khắc phục một phần. Đồng thời, việc khởi kiện các đơn vị, DN ra tòa là biện pháp bất khả kháng cuối cùng nếu sau khi được nhắc nhở, tuyên truyền, vận động; DN vẫn cố tình chây ì trong việc đóng BHXH.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, đoàn liên ngành đã làm việc với 221 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên 81,798 tỉ đồng; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 89 đơn vị không thực hiện đúng lộ trình cam kết trả nợ, ra quyết định cưỡng chế tài khoản 34 đơn vị không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi trên 48,271 tỉ đồng, đạt 59,01% số nợ BHXH, BHYT; khởi kiện 23 đơn vị.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, bên cạnh việc tăng cường xử lý và thắt chặt chế tài xử lý vi phạm liên quan đến nợ đọng BHXH thì để giải quyết “bài toán” nợ đọng bảo hiểm “nan giải” này, rất cần sự phối hợp chung tay của NLĐ. Bởi hơn ai hết, họ cần ý thức được rằng, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi mà mình đáng được hưởng.
Kỳ 2: Người lao động cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi