Kinh tế xã hội

Dự án sân bay Long Thành và niềm tin!

08:30, 01/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng để thực hiện “siêu dự án” này thì cần tính toán kỹ lưỡng, khi nợ công đã chạm trần ngưỡng an toàn, có đạt được mong muốn "trung chuyển" hay không? Do vậy phải thực sự cầu thị, lắng nghe từ nhiều phía.
 
Nhiều người ví dự án sân bay Long Thành là “siêu dự án” với hệ thống con số cực lớn: tổng mức đầu tư khái toán của 3 giai đoạn là 18,7 tỷ USD, phải giải phóng mặt bằng khoảng 5.000 ha đất với 4.541 hộ dân bị ảnh hưởng, thời gian thực hiện dự án hàng chục năm, phải huy động nhiều nguồn vốn... Cũng như nhiều dự án khác, dự án sân bay Long Thành được thuyết minh là cần thiết, quan trọng, không làm thì lỡ cơ hội cho tương lai (!?).
 
Dự án sân bay Long Thành đảm bảo điều kiện cần và đủ để trình ra Quốc hội xin chủ trương đầu tư. Nhất lại vào thời điểm nợ công đã chạm trần ngưỡng an toàn, nên phải tính toán kỹ tính cấp thiết của dự án, nguồn vốn ở đâu, trả nợ như thế nào? Đó là trăn trở nhất của các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước.
 
Nếu chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường thì hệ thống sân bay hiện tại với 7 sân bay quốc tế có thể đáp ứng sự “quá tải” sân bay Tân Sơn Nhất.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Sau khi “siêu dự án” này hoàn thành có cạnh tranh được với sân bay các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)...? Nếu không cạnh tranh được với các nước trong khu vực thì mục tiêu 100 triệu khách/năm sẽ là một sự đầu tư không hiệu quả, để lại gánh nặng trả nợ cho thế hệ sau.
 
Cũng như nhiều dự án khác của ngành giao thông vận tải, dự án sân bay Long Thành phải sử dụng nguồn vốn ODA. Không thể phủ nhận mặt tích cực của nguồn vốn ODA, nhưng nếu lạm dụng và lệ thuộc nó thì cái giá phải trả sẽ là không nhỏ. Các nước phát triển như: Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... chỉ vay ODA để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, không đầu tư vào dự án nhỏ lẻ, tràn lan và càng không vay để theo đuổi những “siêu dự án”.
 
Dự án sân bay Long Thành do doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, mọi nguồn vốn mà doanh nghiệp Nhà nước đi vay theo hình thức nào đi chăng nữa cũng phải tính vào nợ công. Khi doanh nghiệp Nhà nước không trả được những khoản nợ, Nhà nước phải gánh nợ, và trả được nợ hay không lại phụ thuộc sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
 
Việc đồng tình hay phản đối với một dự án là chuyện bình thường nhưng quan trọng là người dân  có thực sự tin những điều đang được thuyết trình của dự án này phải chờ thời gian dài...
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác