Kinh tế xã hội

Cú sốc tăng thuế và nguy cơ buôn lậu bùng nổ

14:26, 30/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Tại Diễn đàn Thuế Châu Á - Thái Bình Dương mới được tổ chức ở Việt Nam, nhiều chuyên gia quốc tế quan tâm đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đang được trình Quốc hội. Theo đó, các chuyên gia về thuế quốc tế cho rằng Việt Nam nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình trong nhiều năm tránh tình trạng ‘sốc’ về thuế.
 
Lộ trình chung cho bia và rượu
 
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt được trình Quốc hội, thuế đối với mặt hàng bia sẽ tăng theo lộ trình, từ ngày 1/7/2015 sẽ tăng từ 50% lên 55%, từ ngày 1/1/2017 lên 60% và tăng lên 65% một năm sau đó.
 
Trong khi đó, thuế đối với rượu sẽ tăng từ 50% lên 65% đối với loại từ 20 độ trở lên và tăng từ 25% lên 35% đối với rượu dưới 20 độ. Hiện chưa rõ thông tin về lộ trình tăng thuế của rượu.
 
Ông Daniel Witt, chủ tịch Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC) ITIC cho biết, cho biết việc tăng thuế TTĐB nếu được thực hiện theo lộ trình với những giải pháp đồng bộ sẽ giúp DN và nền kinh tế tránh những cú sốc không cần thiết, cũng như tránh "tiếp tay" cho nạn buôn lậu và gian lận thương mại.
 
"Phương thức tiếp cận của Chính phủ Việt Nam là đúng. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần có một lộ trình tương tự và công bằng đối với tất cả các sản phẩm thức uống có cồn. Theo đó, lộ trình tăng thuế đối với rượu cũng cần được áp dụng như đối với bia, vì đều là những sản phẩm đồ uống có cồn", ông Daniel Witt nói.
 
Ông Witt cũng cảnh báo việc tăng thuế quá cao sẽ chỉ dẫn đến gia tăng tình trạng buôn lậu và khiến người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ hàng của thị trường chợ đen - nơi cung cấp những sản phẩm tương tự nhưng có giá rẻ hơn vì không phải đóng thuế. "Điều này sẽ tác động đến nguồn thu của Chính phủ", ông nhấn mạnh.
 
Tăng thuế là cần thiết nhưng cần có một lộ trình phù hợp
Tăng thuế là cần thiết nhưng cần có một lộ trình phù hợp
 
Ông Stephane Gripon - Chủ tịch Tiểu ban rượu mạnh và rượu vang - Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, cần ủng hộ những cách làm chính sách đơn giản, minh bạch và công giữa mục tiêu của Chính phủ, sự phát triển của ngành công nghiệp và quyền lựa chọn của người tiêu dùng.
 
"Đối với tăng thuế, chúng tôi đặc biệt lưu ý Chính phủ cần có giải pháp để tránh thất thu từ các nguồn phi thương mại như hàng nhập lậu và hàng giả, cũng như bia rượu kém chất lượng. Thật công công bằng khi các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật với các sản phẩm nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước phải cạnh tranh với các đơn vị làm ăn bất chính, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng".
 
Theo ông Gripon, lộ trình tăng thuế cần phải hợp lý, chẳng hạn theo giai đoạn trong vòng 3-5 năm. "Việc tăng nhỏ theo từng giai đoạn như vậy sẽ giúp DN tránh được những cú sốc về thay đổi môi trường kinh doanh, cho họ thời gian để xem xét lại các kế hoạch kinh doanh và nhân sự", ông nói.
 
Tìm điểm trung hòa
 
Trong bài viết mới đây, ông Rob Preece, Chuyên gia về thuế từ Đại học Canberra (Úc) cho biết, một trong những nguyên nhân "lớn mạnh" của kinh doanh thị trường chợ đen là mức phạt quá nhẹ và nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thu về nguồn lợi lớn gấp nhiều lần các doanh nghiệp làm ăn chính thống.
 
"Điều chỉnh từ từ là nguyên tắc chung để giảm thiểu các hậu quả không thể lường trước," ông Rob Preece khẳng định.
 
Ông Witt cũng cho biết hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, gồm công an, thuế và hải quan cũng như y tế, sẽ là mấu chốt giải quyết vấn đề tăng thuế.
 
"Chính sách thuế và mức đánh thuế nên ở mức trung hòa," ông nói, và cho biết thêm khi tăng thuế cũng nên xem xet đến khía cạnh ảnh hưởng đến cạnh tranh như thế nào. "Trung hòa" ở đây có nghĩa là mức độ tăng thuế cũng khiến doanh nghiệp phải thay đổi chính sách kinh doanh của mình để đối phó với sự thay đổi của thuế.
 
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng công bằng trong thu ngân sách, tuyển dụng, đầu tư, tiêu thụ và sản xuất là điều quan trọng cần được lưu tâm khi quyết định chính sách thuế.
 
Tại Diễn đàn Thuế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 11 mới đây, một nghiên cứu được thực hiện trong 2 năm về phát triển chính sách thuế TTĐB trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 ra đời trong năm nay cũng được thảo luận. Điều này được kỳ vọng giúp Việt Nam và các nước trong khối ASEAN có được lộ trình hiện đại hóa hệ thống thuế mà vẫn đảm bảo được nguồn thu ngân sách cùng lúc với thúc đẩy tiêu dùng.
 

Nguồn: vef.vn

Các tin khác