Kinh tế xã hội
Chống thất thu thuế
Nhiều 'kẽ hở' trong thị trường bán lẻ
08:51, 24/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Không khó để nhận ra tình trạng phổ biến lâu nay trong việc mua bán hàng hóa của đại bộ phận người dân là không lấy hóa đơn thanh toán. Thủ tục mua bán, giao dịch diễn ra gọn nhẹ: Chỉ cần tiền trao, hàng hóa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng sẽ được đưa đến tận nơi, trong khi khâu quan trọng không kém là xuất hóa đơn lại bị “lãng quên”. Đây được coi là hành vi trốn thuế. Và thực tế, trên địa bàn TP Vinh, điều này diễn ra khá thường trực trong hoạt động giao dịch mua bán trên thị trường hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.
Người dân nên tạo lập thói quen mua hàng lấy hóa đơn GTGT để đảm bảo quyền lợi của mình |
Không xuất hóa đơn: Vô tình hay cố ý nhằm “lách” thuế?
Thông tư 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định: Khi hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, người bán phải lập hóa đơn GTGT (hóa đơn) cho khách hàng. Trong trường hợp người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì đơn vị cung ứng vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Quy định ban hành rõ ràng, cụ thể như vậy, song việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Quá trình “mục sở thị” nhiều “đại gia” phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP Vinh cho thấy: Việc xuất hóa đơn, chứng từ thanh toán hàng hóa cho khách hàng dường như là việc hiếm thấy và “xa xỉ”. Hiếm thấy bởi khách hàng sau khi xem xét chất lượng, mẫu mã hàng hóa và nhận thấy “thuận mua, vừa bán”, chỉ cần trả đủ số tiền thì ngay lập tức hàng hóa sẽ được cửa hàng giao đến tận địa chỉ.
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua mặt hàng nội thất tại một cửa hàng trên đường Trần Phú (nhà phân phối của Công ty Xuân Hòa, Hòa Phát, Nội thất 190 tại TP Vinh), chúng tôi được giới thiệu hàng loạt thiết bị nội thất, thiết bị văn phòng… với đầy đủ các mức giá. Phần lớn các mặt hàng đều có giá trị từ 200.000 đồng trở lên. Theo thông tin tìm hiểu được, việc mua bán ở cửa hàng diễn ra khá suôn sẻ và nhộn nhịp.
Trung bình một ngày, ước tính giá trị các đơn hàng có thể dao động từ 3 - 5 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, trước khi thanh toán, cửa hàng chỉ liệt kê các sản phẩm kèm theo giá thành và tổng số tiền phải trả trên giấy hoặc trên hóa đơn thanh toán tự in (toa hàng) mà không hề đề cập đến hóa đơn GTGT. Thậm chí, nhiều trường hợp, sau khi thỏa thuận giá cả, người bán chỉ “lập” hóa đơn bằng miệng và khách hàng thanh toán tiền với hình thức trao tay.
Sau khi mua 2 chiếc ghế văn phòng hiệu Hòa Phát với tổng số tiền hơn 900.000 đồng, được hỏi về hóa đơn chứng từ giao dịch thì nhân viên bán hàng phân trần: “Ở cửa hàng nào cũng vậy, nếu mua hàng cho cơ quan thì mới cần hóa đơn GTGT. Còn nếu mua hàng phục vụ cho cá nhân và gia đình thì quan trọng là chất lượng sản phẩm và sự đồng tình về giá cả giữa 2 bên”.
Đây không phải là tình trạng cá biệt mà thực tế, rất nhiều cửa hàng bán lẻ lâu nay vẫn tái diễn hiện tượng trên. Như vậy, rõ ràng nếu bán được một hay nhiều sản phẩm có giá trị càng lớn mà không thực hiện việc xuất hóa đơn GTGT thì doanh nghiệp sẽ “bớt” được 10% tiền thuế nộp ngân sách Nhà nước, nhờ đó, lợi nhuận thu về sẽ càng nhiều. Thử làm một phép tính đơn giản, nếu doanh số bán hàng bình quân hàng tháng của 1 cửa hàng, doanh nghiệp đạt tới con số hàng chục, thậm chí là trăm triệu đồng thì số tiền thuế bị thất thu cũng không hề nhỏ.
Người tiêu dùng bị “lợi dụng”?
Như đã đề cập ở trên, lợi dụng sự mập mờ trong sử dụng hoá đơn bán lẻ, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể gian dối trong kê khai thu nhập thực tế nhằm giảm số thuế phải nộp. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, không thể quy hết mọi trách nhiệm lên các cửa hàng, doanh nghiệp mặc dù trong nhiều trường hợp, hành động “lách luật” này là do chủ đích của họ. Theo tìm hiểu từ nhiều khách hàng, xuất phát từ tâm lý chung là chỉ cần mua được sản phẩm có chất lượng, giá cả “thuận mua, vừa bán” đã dẫn tới việc yêu cầu phải có hóa đơn thanh toán là không cần thiết.
Anh Trần H., chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị nhà bếp, gạch men ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh cho biết: “Nhiều trường hợp cửa hàng không xuất hóa đơn là do khách hàng không có nhu cầu, thậm chí khi đưa hóa đơn họ còn không nhận. Chỉ có số ít khách yêu cầu xuất hóa đơn khi mua hàng cho cơ quan, tổ chức để phục vụ việc kê khai và thanh toán”.
Như vậy, có thể nói, chính thói quen mua hàng không sử dụng hóa đơn của đại bộ phận người dân vô hình chung đã “tiếp tay” cho các đơn vị, doanh nghiệp lợi dụng để “lách luật”, trốn thuế. Không chỉ với các khoản chi nhỏ ở mức vài trăm nghìn đồng, mà ngay cả các mức chi lớn lên tới hàng triệu đồng, việc xuất hóa đơn GTGT từ người bán và việc yêu cầu xuất hóa đơn từ người mua trong lĩnh vực bán lẻ cũng chưa thông dụng.
Thuế GTGT là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đối với cơ quan thuế, thuế GTGT góp phần chống thất thu thuế đạt hiệu quả cao, tạo ra sự kiểm soát lẫn nhau về thuế giữa các đơn vị có liên quan trong cung ứng hàng hoá. Đồng thời, nâng cao được tính tự giác trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người nộp thuế.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi, khi có vấn đề về hàng hóa sau giao dịch, người tiêu dùng lấy hóa đơn làm căn cứ xác thực để giải quyết vấn đề. Nhận thức được điều đó, thiết nghĩ, mỗi người dân cần tạo dựng thói quen mua hàng lấy hóa đơn để cùng chung tay vào cuộc với các cơ quan, ban, ngành trong công tác chống thất thu thuế. Bởi, xét cho cùng, nguồn thuế thu được nộp ngân sách Nhà nước chính là phục vụ cho các nhu cầu phát triển xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Hồng Hạnh