Việc Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo rau quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU bị nhiễm khuẩn vào đầu tháng 10 vừa qua không phải là lần cảnh báo đầu tiên. Trước đó, năm 2012 một vụ tương tự cũng đã xảy ra và mãi đến tháng 6/2013, lô hàng húng quế đầu tiên của Việt Nam mới được xuất khẩu thành công trở lại thị trường EU.
Thế nhưng, đến nay chưa được bao lâu thì một số DN Việt Nam lại tái phát “bệnh cũ”. Chỉ vì một vài DN mà nguy cơ EU sẽ “đóng cửa” hoàn toàn đối với ngành rau quả Việt Nam đã khiến nhiều DN hết sức bức xúc…
Ngày 6/10, Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương đã công bố cảnh báo của Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu (DG SANCO) với hàng hoa quả xuất khẩu của Việt Nam. Vụ Thị trường châu Âu cho biết, tính từ ngày 1/2/2014 đến nay, DG SANCO đã được các nước thành viên EU thông báo 3 lần liên tiếp về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng bị cấm trên cây húng quế và mướp đắng.
Mướp đắng (khổ qua) của doanh nghiệp Việt Nam vừa bị EU phát hiện có nhiễm khuẩn trong lô hàng xuất vào EU. |
Như vậy, từ nay cho đến ngày 1/2/2015, nếu phát hiện thêm 2 lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật thì EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau, quả của Việt Nam. Trước tình hình trên, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã có quyết định tạm ngưng làm thủ tục xuất khẩu vào EU đối với 5 loại rau nằm trong diện “nguy cơ cao” gồm: húng quế, ớt, cần tây, khổ qua, ngò gai từ nay cho đến hết ngày 31/1/2015. Đây cũng chính là 5 loại rau củ của DN Việt Nam đã từng bị “báo động đỏ” tại thị trường EU vào năm 2012.
Viện dẫn những khó khăn khi xuất khẩu rau quả vào thị trường EU, một DN cho biết: Rau quả Việt Nam xuất khẩu bị EU cảnh báo thường nhiễm các loại bệnh hại là bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục lá, và vi khuẩn gây bệnh sẹo. Những loại vi khuẩn này không có ở các nước châu Âu nhưng lại rất phổ biến ở Việt Nam. Trong đó, có loại rất khó phát hiện vì chúng không chỉ nằm bên ngoài mà nằm trong mô lá nên nguy cơ nhiễm bệnh cũng khó tránh khỏi. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thỏ Việt (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, EU không phải là thị trường xuất khẩu khó tính.
Hợp tác xã Thỏ Việt ngoài việc cung cấp các loại rau ôn đới theo tiêu chuẩn VietGap cho thị trường TP Hồ Chí Minh thì cũng đã xuất khẩu nhiều loại rau mùi khác sang thị trường EU và Trung Đông. Trong 5 loại rau thơm thuộc nhóm có “nguy cơ cao” kể trên (húng quế, ớt, cần tây, khổ qua, ngò gai) thì HTX Thỏ Việt đã xuất khẩu vào thị trường EU mặt hàng rau húng quế và chưa từng bị trục trặc vấn đề gì. Trước việc 3 lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU bị phát hiện nhiễm khuẩn, Thỏ Việt cũng đã tạm ngưng xuất hàng sang thị trường này và hiện đang tập trung vào thị trường nội địa; một số DN khác sau khi EU cảnh báo về nguy cơ cấm nhập khẩu sau khi phát hiện các lô hàng bị nhiểm khuẩn (năm 2012) sau đó đã nhanh chóng thay đổi phương pháp trồng và cũng đã rất thành công khi xuất trở lại vào thị trường EU.
Mướp đắng (khổ qua) của doanh nghiệp Việt Nam vừa bị EU phát hiện có nhiễm khuẩn trong lô hàng xuất vào EU.
Điển hình, Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh), trước đây công ty liên kết với người dân trồng theo phương pháp thông thường ngoài đồng ruộng, thì nay Rồng Đỏ đã trồng rau thơm trong nhà lưới với hệ thống tưới tự động. Đồng thời, công ty cũng tập trung kiểm tra kỹ quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, gieo trồng cho đến thu hoạch đóng gói theo đúng theo yêu cầu của EU. Sau sáu tháng chăm sóc, Rồng Đỏ đã đưa lô ớt tươi đầu tiên xuất khẩu trót lọt vào thị trường EU mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, đánh dấu sự trở lại của DN vào thị trường này; Công ty TNHH Thịnh Cát (TP Hồ Chí Minh) đầu tư hẳn một trang trại có quy mô 1ha tại Củ Chi, trang bị công nghệ để đảm bảo bên trong vùng trang trại không để các loài côn trùng, dịch hại nào xâm nhập và phát triển được.
Đến giữa năm 2013, Thịnh Cát đã xuất khẩu lô hàng húng quế 300kg đầu tiên trở lại EU thành công và được khách hàng tin tưởng đặt thêm nhiều đơn hàng mới. Đến nay, Thịnh Cát cũng đã xuất khẩu thành công vào thị trường EU rau ngò gai, ớt.
Thực tế trên cho thấy, nếu DN tuân thủ đúng theo các tiêu chuẩn của nước xuất khẩu thì sản phẩm rau quả của DN Việt Nam hoàn toàn có thể vào được thị trường EU. Tuy nhiên, đã có không ít DN cố tình làm ăn gian dối, tuồn hàng kém chất lượng và bị phát hiện tại thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty Organik ở Đà Lạt (chuyên sản xuất rau quả hữu cơ) cho biết, một số DN xuất khẩu thường phạm các lỗi khiến phía đối tác ra lệnh cấm nhập, đó là: Sản phẩm có dư lượng thuốc BVTV đối với một số hóa chất sử dụng quá cao so mức quy định; thuốc cấm đã cấm sử dụng trong sản xuất vẫn cứ sử dụng. Đến khi xảy ra vấn đề rồi, phía đối tác yêu cầu truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và trả lời cho họ thì không trả lời được.
Chỉ vì một vài DN làm ăn không đàng hoàng mà làm ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam, nhiều DN xuất khẩu rau quả lên tiếng: “Lẽ ra cơ quan chức năng chỉ nên ngưng xuất khẩu của những đơn vị nào vi phạm và xử lý nghiêm để DN không tái phạm và làm gương cho các đơn vị khác. Chứ với tình trạng như hiện nay, việc tạm ngưng xuất khẩu đối với một số mặt hàng rau quả không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN làm ăn đàng hoàng mà nhiều khả năng DN sẽ mất bạn hàng, đối tác và thị phần rơi vào tay DN nước ngoài".
.